Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Tổng quan sản xuất gạo toàn cầu đến tháng 10/2016 và dự báo – Phần 1
21 | 10 | 2016
Sản xuất lúa gạo toàn cầu được dự báo bật lên mức kỷ lục mới. Các nước sản xuất chính đang thu hoạch tại phía Bắc bán cầu, niên vụ 2016 đang đến hồi kết thúc. So với báo cáo tháng 7/2016, FAO đã nâng dự báo sản lượng lúa toàn cầu thêm 2,9 triệu tấn trong báo cáo tháng 10/2016, lên mức cao kỷ lục 749,7 triệu tấn, tương đương 497,9 triệu tấn gạo.

FAO điều chỉnh tăng dự báo sản lượng chủ yếu do sản xuất tại châu Á được dự báo tăng, đặc biệt là tại Ấn Độ. Sản xuất cũng được dự báo tăng tại Campuchia, Iran và Thái Lan. Dự báo tăng sản lượng tại những nước này sẽ bù đắp được sản lượng giảm tại Trung Quốc đại lục và Việt Nam.

Dưới đây là cập nhật tình hình sản xuất lúa gạo tại các nước xuất khẩu gạo lớn và dự báo.

Ấn Độ

Ngày 22/9 vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã công bố ước tính đầu tiên về sản xuất lúa gạo, với mức sản lượng vụ chính năm 2016 được dự đoán đạt 140,8 triệu tấn lúa, tương đương 93,9 triệu tấn gạo. Mức sản lượng này cao hơn 3% so với mức sản lượng đã điều chỉnh cho năm 2015 và là mức sản lượng cao kỷ lục mới của nước này.

Dự đoán này phản ánh mùa mưa thuận lợi tại Ấn Độ. Sau khởi đầu khiêm tốn vào tháng 6, lượng mưa tại Ấn Độ ngày càng cao trong tháng 7, phân bổ trên cả nước với lượng ổn định trong cả tháng. Mặc dù lượng mưa có giảm trong tháng 8 và 9 nhưng vẫn khá dồi dào và mùa mưa tại Ấn Độ đã chính thức kết thúc vào 309 vừa qua. Lượng mưa lũy kế trong mùa mưa năm 2016 đạt mức bình thường 862mm, thấp hơn 3% so với trung bình lịch sử dài hạn. Lượng mưa năm 2015 giảm 14% và năm 2014 giảm 12%, khiến Ấn Độ thiếu nước nặng nề. Lượng mưa trở lại bình thường trong năm 2016 đã tăng cường độ ẩm cho đất đai và nông dân tăng sản xuất lúa vụ chính. Đến cuối tháng 9 vừa qua, diện tích lúa vụ chính của Ấn Độ đạt 38,9 triệu ha, tăng 1 triệu ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, triển vọng lúa vụ phụ, bắt đầu xuống giống vào tháng 11 cũng rất tích cực nhờ chính sách giá hỗ trợ tối thiểu và lượng thu mua gạo tương đối lớn của chính phủ có thể giúp lúa gạo tiếp tục là một lựa chọn hấp dẫn cho nông dân. Triển vọng nguồn cung nước cho vụ lúa được thủy lợi hóa này cũng được cải thiện so với năm 2015. Cho cả năm 2016. FAO dự báo Ấn Độ sẽ thu hoạch 161,5 triệu tấn lúa, tương đương 107,7 triệu tấn gạo, tăng 3% so với mức sản lượng gây thất vọng năm 2015 và là một kỷ lục mới của sản xuất lúa gạo tại nước này.

Thái Lan

Những nông dân trồng lúa tại Thái Lan đã bắt đầu thu hoạch lúa vụ chính năm 2016 trong tháng 8, nhưng tới tháng 11, nông dân nước này mới bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Sau 2 năm có lượng mưa đáng thất vọng, mùa mưa năm 2016 đã mang lượng mưa dồi dào tới cho cả nước Thái Lan, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng thiếu nước từ hồi đầu năm tới tận tháng 8. Mặc dù mưa lớn mang tới một số đợt lũ, FAO vẫn tăng dự báo năng suất trong vụ lúa được tưới nhờ nước mưa. Hoạt động gieo cấy ban đầu bị trì hoãn do mực nước tại các hồ chứa thấp, sau đó nguồn cung nước dần được cải thiện. Khi nguồn nước cải thiện, nông dân bắt đầu gieo cấy với diện tích xuống giống tăng 7% lên 2,3 triệu ha tính đến đầu tháng 9. Đến 10/10, các hồ chứa lớn tại miền Bắc Thái Lan đạt 61 – 66% công suất, so với mức chỉ đạt 40 – 44% trong cùng kỳ năm 2015. FAO dự báo sản lượng lúa vụ chính tại Thái Lan năm 2016 sẽ đạt 31,1 triệu tấn, tương đương 20,1 triệu tấn gạo, tăng 9% so với sản lượng hồi năm 2015.

Tuy nhiên, các yếu tố bất ổn vẫn hiện diện, bao gồm triển vọng giá và quyết định của chính phủ Thái Lan về vấn đề xả nước làm thủy lợi cho lúa. Một mặt, các biện pháp này cần thực thi để hỗ trợ giá trong thời gian thu hoạch, ví dụ các chương trình thế chấp lúa tại trại đối với lúa thơm và lúa nếp, với kỳ vọng khoảng 2 triệu tấn lúa sẽ đứng ngoài thị trường trong vòng 2 tháng. Theo một chương trình khác, các thương nhân và các nhà chế biến sẽ được cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hơn thị trường để khuyến khích họ dự trữ 8 triệu tấn lúa cho tới 6 tháng. Nông dân đang được khuyến khích mua bảo hiểm để đối phó với các thảm họa tự nhiên, đồng thời được cung cấp các khoản cho vay ưu đãi để khuyến khích dồn điền, thành lập các trang trại siêu lớn, nhằm giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất. Đồng thời, các nhà chức trách vẫn đang nỗ lực giải quyết tình trạng dư cung tạo ra bởi chương trình thu mua lúa gạo giá cao từ năm 2011 – 14.

Việt Nam

Việt Nam đang thu hoạch vụ hè thu và bắt đầu xuống giống vụ thu đông. So với báo cáo tháng 7, FAO hạ dự báo triển vọng sản lượng lúa của Việt Nam thêm 300.000 tấn do giảm dự báo sản lượng vụ đông.

Tiến độ xuống giống vụ 3, cũng là vụ cuối cùng trong năm, giảm 2% so với cùng kỳ giữa tháng 9, xuống còn khoảng 1,7 triệu ha. Tình hình này phản ánh tình trạng thiếu nước, chuyển đổi lúa sang các cây trồng sinh lợi hơn và tác động tiêu cực của những cơn bão liên tiếp tại khu vực sản xuất lúa phía Bắc.

Trận bão Mirinae vào 27/7 gây sạt lở đất, và chỉ riêng cơn bão này đã gây lụt úng khoảng 200.000ha đất lúa. Sản lượng lúa vụ đông bị hạ dự báo còn do tình trạng thiếu nước tại các công trình thủy lợi và vấn đề xâm mặn nghiêm trọng. Tuy nhiên, triển vọng lúa vụ hè thu vẫn sáng sủa, và thiệt hại do khô hạn gây ra hồi đầu vụ sẽ được bù đắp bởi diện tích gieo trồng tăng.

Trong cả năm 2016, FAO dự báo Việt Nam thu hoạch 44,2 triệu tấn lúa, tương đương 28,7 triệu tấn gạo, giảm 2% so với năm 2015.

Campuchia

Sản xuất lúa gạo năm 2016 của Campuchia cũng gặp không ít thách thức. Hạn hán tiếp diễn trong thời gian đầu vụ sản xuất, với khoảng 150.000ha đất nông nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu mưa đến tận cuối tháng 9. Tuy vậy, tình hình sản xuất năm 2016 vẫn tốt hơn năm ngoái, phản ánh qua hoạt động xuống giống vụ lúa trong mùa mưa.

Các nhà chức trách Campuchia cho biết diện tích xuống giống lúa tính đến đầu tháng 10 tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mưa cải thiện cũng giúp tăng nguồn nước cho hệ thống thủy lợi thứ cấp, mặc dù tình trạng này cũng có tác động lên giá.

Giá chào bán lúa sớm vụ mùa mưa chịu áp lực giảm ngày càng tăng trong tháng 9, khiến chính phủ nước này phải cung cấp khoản tín dụng 27 triệu USD cho các nhà chế biến lúa gạo nhằm giúp họ thu mua khoảng 100.000 tấn. Các nhà chức trách Campuchia cũng thông báo thêm họ đang tìm nguồn tài chính hỗ trợ lên tới 300 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến, sấy và kho dự trữ.

FAO dự báo trong cả năm 2016, Campuchia sẽ thu hoạch 9,5 triệu tấn lúa, tương đương 5,7 triệu tấn gạo, tăng 200.000 tấn so với năm 2015.

Theo FAO



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường