Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO dự báo thương mại gạo toàn cầu 2016 suy giảm năm thứ 2 liên tiếp, phục hồi nhẹ trong năm 2017
22 | 10 | 2016
Trong báo cáo tháng 10/2016, FAO đã hạ dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2016 giảm 800.000 tấn so với dự báo đưa ra hồi tháng 7. Nguyên nhân chính là do FAO hạ dự báo nhập khẩu gạo của Bangladesh, Indonesia, Iraq, Philippines và Saudi Arabia. FAO nâng dự báo nhập khẩu gạo chủ yếu cho Bờ Biển Ngà, Ai Cập và Senegal.

Về phía xuất khẩu, phần lớn điều chỉnh giảm dự đoán triển vọng xuất khẩu gạo tập trung vào Việt Nam. FAO cho rằng thương mại gạo toàn cầu sẽ giảm 3% so với năm 2015 xuống còn 43,1 triệu tấn, năm suy giảm thương mại thứ 2 liên tiếp.

Suy giảm thương mại gạo năm 2016 chủ yếu do nhu cầu tại châu Á giảm, khi nhiều nước nhập khẩu gạo truyền thống tại khu vực này có nguồn cung nội địa dồi dào trong các kho dự trữ để đáp ứng nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi cũng được dự đoán giảm xuống mức thấp nhất rong vòng 5 năm, chủ yếu do lượng nhập khẩu tại khu vực Tây Phi giảm.

Nhu cầu nhập khẩu gạo tại các nước Tây Phi giảm do nguồn cung nội địa tăng và đồng nội tệ yếu. Nhu cầu nhập khẩu được dự đoán tăng tại Úc, Mỹ, EU và đặc biệt là các nước Mỹ Latin và các nước vùng Caribbean được dự đoán tăng mạnh nhập khẩu.

Về phía cung, xuất khẩu của cả Ấn Độ và Việt Nam được dự đoán giảm mạnh nhất trong nhóm các nước xuất khẩu do nguồn cung giảm và nhu cầu yếu từ các thị trường chính của hai nước này.

Xuất khẩu gạo của Úc, Brazil, Guyana và Myanmar cũng được dự báo giảm, trong khi xuất khẩu gạo của Argentina, Campuchia, Trung Quốc đại lục, Paraguay, Uruguay, Mỹ, Pakistan và Thái Lan đều được dự báo tăng.

FAO dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2017 sẽ đạt 43,3 triệu tấn, tức chỉ tăng 0,7 triệu tấn so với năm 2016, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng thương mại gạo toàn cầu bằng 0 hoặc ở mức rất thấp. Nguyên nhân của nhận định này là do triển vọng giảm xuất khẩu sang khu vực Viễn Đông, do nguồn cung nội địa tại khu vực này tăng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát giảm có thể cũng làm giảm nhập khẩu gạo của các nước Mỹ Latin và các nước vùng Caribbean. Đồng thời, giá gạo ở mức thâp trên thị trường quốc tế và nhu cầu tích trữ tăng có thể thúc đẩy nhập khẩu gạo của châu Phi và các nước cận Đông Á trong năm 2017. Nhập khẩu gạo của EU cũng được dự đoán tăng.

Về phía cung, nguồn cung nội địa của Ấn Độ được cải thiện giúp nước này có thể tăng xuất khẩu trong năm 2017. Xuất khẩu gạo của Úc, Campuchia, Pakistan, và Mỹ cũng được dự đoán tăng. Ngược lại, cạnh tranh ngày càng mạnh trên các thị trường có thể khiến xuất khẩu gạo của Argentina, Brazil, Uruguay, Thái Lan giảm, đặc biệt là xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2017 được dự đoán có thể giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm.

Theo FAO



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường