Theo ông Vichai Srinawakul, chủ tịch Hiệp hội các nhà xay xát gạo Thái Lan, họ đang kêu gọi chính phủ thông báo khung thời gian chính xác cho chương trình thế chấp lúa đối với lúa gọa Hom Mali để nông dân có thể bắt đầu thế chấp lúa của họ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp (BAAC). Chính sách này được cho là sẽ khuyến khích nông dân không bán lúa vụ mới ngay ra thị trường và gây áp lực lên giá.
“Chính phủ phải thông báo rõ ràng cho nông dân trồng lúa không vội vàng bán gạo và đưa đến cho họ những lựa chọn đối với những nông dân đồng ý hoãn bán lúa”. Ông dẫn chiếu tới kế hoạch của BAAC chi tiêu khoảng 9,98 tỷ Baht để thế chấp lúa cho nông dân ở mức giá 11.700 Baht/tấn, cộng với mức phí dự trữ 1.500 Baht/tấn đối với lúa Hom Mali và lúa gạo nếp, nhằm mục tiêu dự trữ tổng cộng 2 triệu tấn lúa.
Giá gạo Thái Hom Mali hôm 27/10 đã giảm xuống chỉ con 9.500 Baht/tấn, mức thấp nhất trong 10 năm. Theo ông Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá giảm chủ yếu do chất lượng lúa Hom Mali thời điểm này phần lớn có chất lượng thấp, với độ ẩm lên tới 30%. Trong một động thái hợp tác với chính phủ để quản lý giá gạo nội địa, các nhà xuất khẩu gạo tuần trước đã đồng ý thu mua 200.000 tấn gạo Hom Mali và dự trữ trong các kho trong tháng 11 – 12, là thời điểm nguồn cung gạo mới bắt đầu tràn vào thị trường.
Sự hợp tác này diễn ra ngay sau khi chính phủ thông báo tạm ngừng xả kho dự trự gạo chính phủ để kìm hãm bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào lên giá nội địa. Các nhà xuất khẩu sẽ yêu cầu chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính, bao gồm trợ cấp lãi suất và phí kho bãi trị giá tổng cộng 60 triệu Baht.
Theo một nguồn tin từ Bộ Thương mại Thái Lan, thứ trưởng Bộ Thương mại Suvit Maesincee đã kêu gọi một cuộc họp với các nhà xay xát để nắm thông tin về hoạt động giao dịch lúa và sản xuất lúa để chính phủ có thể quyết định thêm các biện pháp giải quyết ảnh hưởng của nguồn cung vụ mới.
Theo Bangkok Post