Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Còn nhiều không gian cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
28 | 10 | 2016
Với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, nhiều ngành của Việt Nam sẽ mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng tự giới hạn các quyền, trong đó có quyền đưa ra một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, để đổi lấy cam kết của các quốc gia đối tác. Tuy nhiên, có những không gian chính sách hỗ trợ mà Việt Nam không tận dụng hết quyền của mình vì thiếu nguồn lực, hoặc có hỗ trợ nhưng không hiệu quả.

Không gian chính sách còn lại

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), các hiệp định hạn chế không gian chính sách của Việt Nam nhiều nhất chủ yếu là các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (ràng buộc về mặt quy tắc và các biểu cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ) và các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA).

Trong đó, các hiệp định WTO ràng buộc tất cả các nước thành viên và ràng buộc không giống nhau giữa các ngành. Chẳng hạn ngành sản xuất hàng công nghiệp bị ràng buộc nhiều nhất trong khi nông nghiệp và dịch vụ ít bị ràng buộc hơn.

Với việc tham gia WTO, Việt Nam phải cam kết giảm thuế và loại bỏ gần như toàn bộ các biện pháp phi thuế quan, chỉ còn một số biện pháp được phép sử dụng là hàng rào kỹ thuật TBT, vệ sinh dịch tễ SPS, phòng vệ thương mại, giấy phép nhập khẩu... nhưng theo nguyên tắc của WTO.

Về dịch vụ, Việt Nam cam kết mở cửa cho 11/12 ngành. Đối với ngành bán lẻ, Việt Nam có những cam kết khác với những ngành dịch vụ khác, chẳng hạn hiện vẫn còn hai biện pháp bảo lưu là kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) và nhóm hàng hóa mà nhà bán lẻ nước ngoài không được bán trong cơ sở bán lẻ của mình.

Trong TPP và EVFTA, Việt Nam cam kết nhiều hơn về dịch vụ nên sẽ bị ràng buộc hơn về lĩnh vực này, trong đó có cam kết bỏ yêu cầu về ENT đối với cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 mét vuông, và bỏ hoàn toàn quy định về ENT sau năm năm đối với đối tác TPP và EU. Riêng đối với TPP, Việt Nam cũng cam kết bỏ bảng lưu cấm bán gạo và đường trong cơ sở bán lẻ.

Bà Thu Trang cho biết sau những cam kết trên, không gian chính sách chung để Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ doanh nghiệp mà không vi phạm các cam kết quốc tế là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (hiện chiếm 98% tổng số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam), các hộ kinh doanh, hợp tác xã..., các biện pháp hỗ trợ không mang tính chất cá biệt, tức phải hỗ trợ chung cho nhiều nhóm đối tượng, các hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, đào tạo...

Nên hỗ trợ ngành nào?

Nhìn chung, Việt Nam vẫn còn nhiều không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Vấn đề đặt ra là Chính phủ có muốn và có khả năng hỗ trợ không; nên hỗ trợ doanh nghiệp nào? Chính sách hỗ trợ là để giúp những doanh nghiệp yếu mạnh lên hay hỗ trợ những doanh nghiệp mạnh để càng mạnh hơn?

Theo bà Thu Trang, hiện Boeing là công ty có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Mỹ nhưng đây cũng là doanh nghiệp được Chính phủ Mỹ hỗ trợ nhiều nhất. Nhìn theo cách này, ngành chế biến gỗ của Việt Nam có thể là ngành nên được hỗ trợ. Ngành này đang có sự phát triển nhanh. Mục tiêu xuất khẩu của ngành chế biến gỗ là đến năm 2020 đạt 7 tỉ đô la Mỹ, nhưng vào cuối năm ngoái (2015) ngành này đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6,9 tỉ đô la Mỹ.

Ngành chế biến gỗ hiện có trên 3.900 doanh nghiệp, với 300.000 lao động, và hơn 340 làng nghề với hàng triệu lao động (trên thực tế số làng nghề có thể còn cao hơn nhiều). Do đó, nếu Chính phủ hỗ trợ ngành này thì sẽ hỗ trợ được nhóm rất lớn những người liên quan. Ngoài ra, nếu ngành chế biến gỗ phát triển và đảm bảo nguyên tắc gỗ hợp pháp, các chính sách liên quan đến bảo vệ phát triển rừng cũng được đảm bảo.

Hiện ngành chế biến gỗ chưa gặp khó khăn lớn, nhưng trong tương lai sẽ phải đứng trước nhiều thách thức khi các quy định của các thị trường lớn về tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ nguyên liệu được thực hiện chặt chẽ hơn. Cụ thể, theo chuyên gia Tô Xuân Phúc, có bốn nhóm rủi ro chính: (i) rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, (ii) rủi ro về thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung hiệu quả, (iii) rủi ro liên quan đến sử dụng lao động (hiện hợp đồng ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao trong ngành chế biến gỗ, nên doanh nghiệp ít quan tâm đến điều kiện của người lao động, dễ có rủi ro vi phạm các yêu cầu về lao động); (iv) rủi ro do doanh nghiệp thiếu hiểu biết về các quy định của thị trường xuất khẩu. Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Úc đều có các quy định chặt chẽ về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu, như đạo luật Lacey của Mỹ, FLEGT của EU. Luật cấm khai thác gỗ lậu của Úc cũng có hiệu lực từ cuối năm 2014 nên có thể trong tương lai, nước này sẽ áp dụng các biện pháp thắt chặt kiểm soát sản phẩm gỗ nhập khẩu.

Hiện nay, doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam có bốn nguồn gỗ chính gồm gỗ trồng, gỗ tự nhiên trong nước và gỗ trồng, gỗ tự nhiên nhập khẩu, trong đó, gỗ trồng trong nước như cao su, keo được sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc sử dụng gỗ cao su có thể chịu rủi ro vì Chính phủ Việt Nam chưa có quy định rõ ràng thế nào là gỗ cao su hợp pháp được sử dụng trong xuất khẩu. Ông Phúc cho rằng cần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định cụ thể.

Đối với gỗ vườn hay gỗ rừng trồng mà tính pháp nhân của hộ gia đình trồng chưa rõ ràng, như chưa có giấy chứng nhận sở hữu quyền sử dụng diện tích đất trồng, thì cũng không có bằng chứng gỗ hợp pháp. Do đó, cũng cần kiến nghị cấp giấy chứng nhận cho người dân...

Việc sử dụng nguồn gỗ tự nhiên nhập khẩu cũng có thể đem lại rủi ro vì nguồn gỗ từ các nước lân cận hay các nước châu Phi cũng có những vấn đề về pháp lý.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, ngành chế biến gỗ nhìn chung không có ưu tiên về chính sách nhưng đã phát triển mạnh. Tuy nhiên, nếu cứ để tự vận hành tới “trần thủy tinh” mà không vượt qua được ngưỡng này thì ngành không thể bước cao hơn. Để giải tỏa ngưỡng trần này, trước mắt cần xác định, giải quyết những nút thắt giúp ngành phát triển tiếp, như vấn đề tiếp cận tài chính, chất lượng lao động, loại bỏ những áp đặt trong môi trường kinh doanh đang làm khó doanh nghiệp.

Cũng theo ông Vũ Thành Tự Anh, do nguồn lực ít, các nhà lập chính sách hỗ trợ luôn có suy nghĩ về sự ưu tiên. Nền kinh tế Việt Nam lại đi sau nhiều nước nên càng cần có sự ưu tiên để đẩy mạnh phát triển. “Vấn đề đặt ra là ưu tiên ngành nào, quan trọng hơn là ưu tiên như thế nào, vì nếu ưu tiên sai, có thể dẫn đến giết chết doanh nghiệp thay vì hỗ trợ họ”, ông Tự Anh nói.

Ông nói thêm: “Khi đẩy ưu tiên sang lĩnh vực này thì sẽ hạn chế ở lĩnh vực khác. Chúng ta ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước thì tất nhiên không còn tiền khuyến khích các ngành khác như bán lẻ hay đồ gỗ. Thực ra, cam kết quốc tế không hạn chế chúng ta nhiều bằng ta tự hạn chế ta”. 



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường