Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc và cơ hội cho doanh nghiệp châu Á – Phần 1: Tổng quan thị trường TMĐT Trung Quốc
09 | 11 | 2016
Thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm gần đây về cả lượng và giá trị. Sự phát triển này đang mang đến những cách tiếp cận thi trường mới, sáng tạo, tạo ra tiềm năng cơ hội rất lớn cho các nước láng giềng, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất tại châu Á (LDCs) để tăng thương mại với Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất tại khu vực châu Á. Trong khi Trung Quốc được hưởng thuế ưu đãi tại LDCS, các nước LDCs châu Á vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc, dưới 0,5%. Sự tăng trưởn nhanh chóng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước châu Á trong quá trình tham gia thương mại quốc tế, vốn bị thống trị bởi các công ty lớn, đồng thời tận dụng lợi thế địa lý và các điều kiện tiếp cận thị trường ưu đãi đối với thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với giá trị doanh thu ước đạt 630 triệu USD trong năm 2015, theo hãng tư vấn McKinsey. Giá trị thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc lớn hơn thị trường thương mại điện tử Mỹ gần 80%. Trung Quốc đã vượt Mỹ trong mảng thương mại điện tử hơn 2 năm trước.

Thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc lớn, tăng trưởng nhanh và ngày càng mở cho hàng hóa từ bên ngoài Trung Quốc. Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc nổi lên từ những năm 1990s và tăng trưởng rất nhanh kể từ sau năm 2008. Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây mà hệ quả là tăng trưởng thương mại quốc tế chậm chạp, thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 30%. Từ 2008 – 2015, doanh thu thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đã tăng từ khoảng 123 tỷ USD lên 800 tỷ USD và dự kiến đạt 1.000 tỷ USD trong năm 2016.

china-cross-border-e-commerce

Nhờ sự kết hợp giữa du lịch nước ngoài, sử dụng internet tăng, người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với các nhãn hiệu nước ngoài cũng như nhu cầu ngày càng tăng với hàng hóa nước ngoài của người tiêu dùng Trung Quốc, đến năm 2020, nước này được dự đoán sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới lớn nhất thế giới, theo China Internet Watch.

Theo một phân tích của eMarketer, có đến 40% người tiêu dùng trực tuyến Trung Quốc hiện đang mua hàng hóa từ nước ngoài, với mức chi ước tính khoảng 40 tỷ USD trong năm 2015, chiếm hơn 6% tổng tiêu dùng thương mại điện tử của Trung Quốc và tăng trưởng với tốc độ hàng năm 50%.

Nhập khẩu của Trung Quốc thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới tăng mạnh từ năm 2011, chủ yếu do người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quen với mua sắm trực tuyến. Thông qua các sàn giao dịch trực tuyến, người tiêu dùng có thể tìm thấy các sản phẩm mới không có trên thị trường nội địa. Chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ thương mại trực tuyến xuyên biên giới thông qua các chính sách cụ thể. Năm 2014, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành một Thông báo quốc gia ghi nhận tầm quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới và nhập khẩu thông qua thương mại điện tử. Chính phủ Trung Quốc cũng đã phê chuẩn việc thành lập các thành phố thử nghiệm toàn diện thương mại điện tử xuyên biên giới. Tính đến năm 2016, Trung Quốc đang có 13 thành phố thử nghiệm, bao gồm: Hàng Châu, Thiên Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh, An Huy, Trịnh Châu, Quảng Châu, Thành Đô, Đại Liên, Ninh Ba, Thanh Đảo, Thâm Quyến và Tô Châu. Nhờ các chính sách trên và sự hỗ trợ của chính phủ, các start-ups nhỏ như Xiaohongshu và Ymatou đã nổi lên như là những người chơi chính trên thị trường, bên cạnh gã khổng lồ Alibaba.

Sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Trung Quốc cũng làm tăng các giao dịch khác qua biên giới. Ví dụ, Hải quan Hàng Châu đã ghi nhận số giao dịch xuất khẩu tăng 24 lần và số giao dịch nhập khẩu tăng 16 lần trong năm 2015 so với năm 2014. Đặc biệt là vào ngày 11/11 – ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, còn được gọi là “Ngày 11 kép” và vào ngày 11/11/2015, đã ghi nhận có 9 triệu hàng hóa được giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới được mang đến hải quan Hàng Châu và 266.105 yêu cầu thông quan nhập khẩu ghi nhận tại trang quản lý thông quan của hải quan Hàng Châu từ nửa đêm đến 8h sáng. Đến cuối ngày, 1 triệu giao dịch đã được ghi nhận tại hải quan Hàng Châu, tăng 8 lần so với năm 2014.

Theo Alibaba, các hàng hóa thông dụng nhất xuất khẩu từ Trung Quốc thông qua thương mại điện tử là quần áo và phụ kiện, điện thoại di động, máy tính, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, hàng gia dụng, trang sức và đồng hồ và các phụ kiện ô tô/xe máy. Trong giai đoạn đầu phát triển của thương mại điện tử, hàng hóa được xuất khẩu chính là các sản phẩm điện tử và phụ kiện. Nhờ chi phí giao dịch điện tử xuyên biên giới giảm và sự cải thiện của dịch vụ, các sản phẩm như phụ kiện ô tô, các sản phẩm nội thất và trang trí gia dụng đang tăng lên.

Theo ITC



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường