Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bất chấp giá giảm, xuất khẩu gạo của Campuchia vẫn tăng
11 | 11 | 2016
Trong 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo của Campuchia tiếp tục tăng trưởng tốt, nhưng nhu cầu gạo toàn cầu chậm lại đang kéo giá giảm, có thể kìm hãm xuất khẩu gạo thơm Campuchia trong vụ thu hoạch tới.

Xuất khẩu gạo của Campuchia tăng 3,3% trong 10 tháng đầu năm 2016, đạt 421.000 tấn, so với 408.000 tấn trong 10 tháng đầu năm 2015. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Campuchia, theo sau là Pháp và Ba Lan, theo báo cáo thống kê xuất khẩu gạo chính thức của Campuchia cho thấy.

Trong 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo của Campuchia sang Trung Quốc đạt 89.946 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong cùng kỳ, Pháp đã nhập khẩu khoảng 61.000 tấn và Ba Lan nhập khẩu 56.000 tấn từ Campuchia.

Trong tháng 10/2016, Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ mua 200.000 tấn gạo hàng năm nhằm giúp nông dân và các nhà xay xát gạo Campuchia đối phó với tình trạng giá giảm và cạnh tranh với nguồn gạo giá rẻ hơn từ các nước láng giềng. Gần đây, giá gạo trong khu vực, đặc biệt là tại Thái Lan, đã giảm mạnh do nhu cầu gạo trên thị trường toàn cầu yếu.

Theo ông Hun Lak, phó chủ tịch Liên đoàn gạo Campuchia (CRF), Campuchia cần thận trọng trước tình hình này. Giá gạo giảm tại Thái Lan sẽ thu hút nhiều người mua hơn đối với gạo Thái Lan và tác động tới thị trường gạo Campuchia khi nước này bắt đầu thu hoạch gạo thơm trong tháng 10.

Ông Lak cho biết giá loại gạo tốt nhất của Thái Lan là Hom Mali hiện dao động trong khoảng 530 – 580 USD/tấn, trong khi giá gạo thơm Campuchia là 610 – 620 USD/tấn. Ông cũng cho biết thêm để duy trì sự ổn định và khả năng cạnh tranh của gạo Campuchia, chính phủ nước này cần giảm chi phí sản xuất và khơi thông luồng vốn để ổn định giá gạo trong thời gian thu hoạch rộ từ tháng 11/2016 – 1/2017.

“Kế hoạch dài hạn của CRF là tăng tiêu chuẩn giống, tạo một tiêu chuẩn để xác định gạo Campuchia, tạo ra thương hiệu cho gạo thơm Campuchia, tăng cường chuỗi sản xuất và giảm chi phí”, ông Lak cho hay.

“Kế hoạch trung hạn là tìm ra các thị trường cho gạo Campuchia và hợp tác với Bộ Thương mại, ngân hàng phát triển nông thôn và Bộ Kinh tế – Tài chính để tìm nguồn vốn hỗ trợ nông dân trồng lúa và các nhà xuất khẩu gạo”.

Theo ông Song Saran, CEO của Amru Rice, tiêu dùng gạo toàn cầu năm 2016 giảm khoảng 2%, trong khi năng suất lúa gạo toàn cầu tăng trong năm nay, dẫn đến giá giảm. Ông Saran cho rằng cả Campuchia và Thái Lan đều phải giảm giá để bình ổn thị trường. Thái Lan sẽ giảm giá gạo để giành thị phần. Ông cũng cho rằng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Campuchia, và nếu Trung Quốc không mua gạo của Campuchia, điều này sẽ ảnh hưởng tới giá gạo Campuchia như đã xảy ra với giá gạo Thái Lan.

Chính phủ Campuchia đã ký các biên bản ghi nhớ với Việt Nam và đang đàm phán với Indonesia và Đông Timor về các đơn hàng dự kiến sẽ ký vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.

Theo Khmer Times



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường