Trong dự báo trước, USDA cho rằng dự trữ đường toàn cầu sẽ chỉ giảm 5,1 triệu tấn. Nhưng thâm hụt đường, được tính toán bằng chênh lệch giữa sản xuất và tiêu dùng đường ở người, lại chỉ ở mức 2,6 triệu tấn trong niên vụ 2016/17, so với mức 4,3 triệu tấn trong dự báo của USDA trước đó.
Trong tháng 9, tổ chức chuyên phân tích ngành đường Platts Kingsman dự báo thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 2016/17 là 6,45 triệu tấn, trong khi dự báo của Rabobank là 7,5 triệu tấn. “Nền kinh tế đường toàn cầu đang đối mặt với năm thứ hai thâm hụt lớn”, theo Tổ chức đường quốc thế ISO nhận định.
Dẫn đầu trong giảm lượng đường dự trữ là Ấn Độ và Trung Quốc, với lượng dự trữ đường được dự đoán sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 2010/11, theo USDA. USDA dự báo dự trữ đường của Ấn Độ cuối niên vụ 2016/17 sẽ là 6,3 triệu tấn, giảm từ mức 8 triệu tấn hồi niên vụ trước. Tại Trung Quốc, dự trữ đường cuối niên vụ này sẽ giảm xuống còn 2,6 triệu tấn, so với 3,2 triệu tấn hồi cuối niên vụ 2015/16.
Sản xuất đường tại Brazil được dự đoán tăng 3,1 triệu tấn trong cùng kỳ so sánh lên 37,8 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi và tỷ lệ mía đường sử dụng để sản xuất đường tăng so với ethanol. Sản lượng mía đường dùng làm đường được ước tính tăng 700.000 tấn so với báo cáo trước của USDA.
Tương tự, sản xuất đường tại EU cũng được dự báo tăng 1,9 triệu tấn lên 16,1 triệu tấn nhờ diện tích sản xuất củ cải đường tăng.
Sản lượng đường tăng tại Brazil và EU được dự báo sẽ bù đắp được suy giảm tại Ấn Độ và Thái Lan. Sản xuất đường của Ấn Độ dự đoán giảm 3,6 triệu tấn, xuống còn 23,9 triệu tấn do diện tích và năng suất đường đều giảm. Trong khi đó, sản lượng đường của Thái Lan được dự đoán giảm 470.000 tấn xuống còn 9,3 triệu tấn do hạn hán nghiêm trọng trong giai đoạn sinh trưởng của cây mía làm giảm năng suất, theo phân tích của USDA.
Nhìn chung, USDA dự đoán sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2016/17 tăng lên 170,9 triệu tấn, so với mức sản lượng 169,3 triệu tấn trong niên vụ 2015/16. Ngược lại, ISO nhận định tiêu cực hơn, dự đoán sản lượng đường toàn cầu chỉ ở mức 168,7 triệu tấn/
Tuy nhiên, tiêu dùng đường tăng, dự đoán đạt mức kỷ lục 174 triệu tấn sẽ hấp thụ toàn bộ lượng đường tăng trong sản xuất và đẩy dự trữ giảm. Tiêu dùng đường tại Ấn Độ, nước tiêu dùng đường lớn nhất thế giới, dự báo tăng lên mức kỷ lục 27,2 triệu tấn trong năm 2016/17. Năm nay đánh dấu lần đầu tiên trong 7 năm, sản lượng đường của Ấn Độ thấp hơn tiêu dùng.
Tiêu dùng cũng được dự đoán tăng tại Nga do nước này mở rộng hoạt động sản xuất rượu nội địa, theo USDA.
Theo Agrimoney