Trong báo cáo công bố hồi đầu tuần, hãng này cho biết dự báo nhu cầu đường toàn cầu giảm do giá đường tăng cao khiến một số nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống chuyển sang sử dụng các chất làm ngọt thay thế như syrup ngô. Một yếu tố khác làm giảm thâm hụt đường toàn cầu là dự báo sản lượng đường Brazil và Trung Mỹ tăng.
FCStone hạ ước tính nhu cầu đường toàn cầu niên vụ 2016/17 thêm 0,3% xuống còn 185,6 triệu tấn, nhưng vẫn tăng 1,6% so với tiêu dùng trong niên vụ trước. Nhà tư vấn này dự báo sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2016/17 đạt 178,08 triệu tấn, tăng 2,4% so với niên vụ 2015/16.
Một số nhà phân tích đã bắt đầu dự đoán thâm hụt đường toàn cầu sẽ chấm dứt sau khi giá đường liên tục tăng trong 2 năm qua. F.O.Licht và Tổ chức đường quốc tế (ISO) dự báo kịch bản cân bằng cung – cầu hơn trong niên vụ 2017/18.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến đối lập. Một số nhà chế biến tại Brazil cho rằng sản lượng đường của Brazil tăng có thể không giúp cân bằng cung – cầu trong năm tới. Theo Arnaldo Corrêa, trưởng phân tích tại hãng tư vấn Archer tại Sao Paulo, các nguyên nhân được dẫn chiếu cho khả năng thâm hụt đường toàn cầu chấm dứt trong những ngày gần đây đã bị thổi phồng, bao gồm cả việc tung tin về phục hồi mạnh sản lượng đường tại Ấn Độ.
“Chúng tôi chưa có nhận định rõ ràng về sản lượng vụ mới của Brazil, với chỉ 78.000 người sản xuất mía, và một số người đang đồn đoán về tình hình Ấn Độ có đến 40 triệu người trồng mía và có vụ thu hoạch bắt đầu muộn hơn 6 tháng sau Brazil”.
Sản xuất mía đường Brazil được dự báo sẽ bội thu như vụ hiện tại, hoặc giảm do thời tiết bất lợi và không tái canh các diện tích mía già cỗi hiện tại.
Theo Reuters