Ông Hightower bắt đầu bài trình bày với tổng quan thị trường đậu tương, nhấn mạnh rằng thế giới đang có sản lượng bội thu và năng suất cao. Các quỹ tiếp tục duy trì trạng thái đầu tư dài hạn vào mặt hàng này. “Câu hỏi hiện nay là: Liệu chúng ta có trải qua 12 tháng tới và tiếp tục duy trì kỳ vọng cao như hiện nay?”.
Ông cho rằng Đông Nam Á sẽ đóng vai trò ngày càng tăng trên thị trường ngũ cốc toàn cầu. “Chúng ta đã có Trung Quốc, chúng ta đã có Ấn Độ và nay chúng ta tiến đến có Đông Nam Á”. Nhập khẩu ngũ cốc để cung cấp thực phẩm cho khu vực có dân số 665 triệu dân đang tăng với tốc độ 12%/năm. “Đông Nam Á vừa là nguồn cung lớn và nhu cầu tại khu vực này cũng ngày càng tăng”.
Yếu tố thứ hai là cân bằng giá dầu thô đang tăng. “Các phương tiện truyền thông đều đưa tin liên tục rằng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đang chậm lại. Đúng vậy, tăng trưởng nhu cầu dầu đang chậm lại nhưng hàng năm chúng ta vẫn có mức tiêu dùng dầu toàn cầu chạm mức kỷ lục mới”.
Nền kinh tế toàn cầu đang trong trạng thái mà ông Hightower gọi là “giảm phát quá đà”. “Chúng ta không chứng kiến nhiều giai đoạn trong lịch sử, trong đó các thị trường cổ phiếu trình diễn tốt hơn các thị trường hàng hóa trong một thời gian dài như hiện nay. Giờ đây chúng ta nhìn vào giá trị cổ phiếu và tiến tới gần hơn với giai đoạn tăng lãi suất nhưng giá cổ phiếu lại không phản ứng tốt trước thông tin tăng lãi suất như lịch sử từng ghi nhận. Các thị trường hàng hóa sẽ quay trở lại điều kiện thuận lợi và được các nhà đầu tư ưa chuộng”.
Trọng tâm của giá ngũ cốc hiện dồn về diễn biến thời tiết tại Nam Mỹ. “Sản xuất cao kỷ lục mang đến nguồn cung dồi dào, nhưng tình hình này chỉ là tạm thời bởi chúng ta đã bắt đầu năm 2016 với lo ngại rằng nguồn cung kỷ lục này có thể lèo lái thị trường về đâu, sau đó nỗi lo ngày đã dịu dần bởi diễn biến nhu cầu, bởi nhu cầu cao hơn kỳ vọng, bởi những sự kiện thời tiết bất thường tác động mạnh tới nguồn cung”.
Ông lấy các kim loại cơ bản làm ví dụ về khả năng giá các hàng hóa đang trên đà tăng. “Giá đang tăng ngay cả khi thị trường thiếu các hoạt động đầu cơ. Các quỹ đầu tư đang tìm đường quay lại các thị trường hàng hóa ở mức giá rất rẻ hiện nay. Ngoài ra, tăng trưởng giá năm nay cũng mạnh hơn nhiều so với năm ngoái. Thế giới đang bắt đầu thấy tình trạng giảm phát quá đà đang gây áp lực lên giá. Tình trạng lãi suất âm cũng sắp kết thúc và lãi suất tại Mỹ tăng. Đồng thời, thế giới cũng sắp sửa cảm nhận tác động ngày càng lớn của khu vực Đông Nam Á”.
Thị trường đang trong ngưỡng giá thấp
“Các thị trường ngũ cốc sắp đón nhận nguồn cung cao kỷ lục từ Mỹ. Nếu không có tình trạng giảm nhẹ sản lượng tại Brazil và Argentina trong năm 2015, các thị trường có thể trải qua giai đoạn giảm giá kéo dài từ 18 – 24 tháng. Nhưng diễn biến về phía cầu đang tạo những bất ngờ, Nhu cầu tiếp tục vượt qua mọi dự đoán và phần lớn đến từ Trung Quốc. Các nhà quan sát thị trường đều chung nhận định rằng điều này không thể tiếp diễn mãi”.
Tại thời điểm trình bày bài phát biểu, ông Hightower cho rằng các thị trường ngũ cốc sẽ chạm đáy trong vòng 60 ngày tới. “Liệu mức giá thấp trên thị trường ngũ cốc sẽ còn xuống sâu cỡ nào? Chúng ta đang nâng dự báo các lượng dự trữ cuối kỳ bởi sản lượng ngũ cốc cao kỷ lục tại Mỹ trong năm 2016. Vụ thu hoạch tại Mỹ đã kết thúc, nay chúng ta dồn sự chú ý tới Nam Mỹ. Tình hình thời tiết tại khu vực này đang được cải thiện: các khu vực hạn hán đã ẩm ướt hơn và các khu vực ẩm ướt đã trở nên khô ráo hơn. Thực trạng này dẫn tới khả năng sản lượng ngũ cốc của Nam Mỹ sẽ lớn”.
Ông Hightower cũng phân tích về tác động của quy mô ngành chăn nuôi lợn. “Tại Trung Quốc, ngành chăn nuôi lợn là một vấn đề lớn. Trao đổi với một nhà khoa học ngành vật nuôi tại Trung Quốc, ông ấy nói với otoi rằng nhu cầu đối với TACN tại Trung Quốc sẽ không giảm trừ khi có dịch bệnh rất lớn diễn ra trong chăn nuôi lợn. Nhưng hiện chúng ta đã phát triển các loại văc-xin và hoạt động chăn nuôi lợn như hiện nay làm giảm rủi ro dịch bệnh. Yếu tố tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường hiện nay là kho dự trữ lúa mỳ khổng lồ tại Ấn Độ và kho dự trữ ngô lớn tại Trung Quốc nhưng thị trường không nắm được thông tin về quy mô của các kho dự trữ này. Ấn Độ và Trung Quốc không công bố thông tin về quy mô các kho dự trữ cũng như chất lượng ngũ cốc trong kho. Đây là một vấn đề quan trọng”.
“Điểm lại các yếu tố lớn trên thị trường: nguồn cung tại Mỹ cao kỷ lục, dự trữ cuối kỳ của Mỹ cũng ở mức cao kỷ lục, diện tích sản xuất ngũ cốc tại Nam Mỹ tăng, các kho dự trữ lớn tại các nước tiêu dùng lớn. Tất cả các yếu tố này đều dẫn tới thị trường giảm giá. Trong 5 tuần qua, giá đậu tương đã tăng mạnh và gây bất ngờ đối với các bên trên thị trường”.
Ông Hightower cho rằng không quan trọng là nhu cầu tới từ nguồn nào. “Đây là thị trường toàn cầu, là bảng cân đối hàng hóa toàn cầu. Khi chúng ta ở thị trường Mỹ, chúng ta nói rằng chúng ta xuất khẩu được ngũ cốc đi đâu đó. Khi chúng ta ở Nam Mỹ, chúng ta nói rằng chúng ta đang mất thị trường xuất khẩu vào tay Mỹ. Những điều này không quan trọng: Thế giới vẫn không ngừng ăn ngũ cốc, các quỹ vẫn duy trì vị thế dài hạn, đặc biệt là vị thế dài hạn cao kỷ lục đối với dầu đậu tương. Đó là trung tâm của vấn đề, mọi người ạ. Không phải là về đậu tương, mà là về dầu đậu tương. Không phải là về cây cọ, mà là về dầu cọ”.
“Dù nguồn cung đang ở mức giá cao kỷ lục nhưng thực tế là thị trường hiện đang không chịu áp lực lớn. Áp lực xuất hiện khi hiệu ứng nguồn cung Nam Mỹ gộp với hiệu ứng nguồn cung từ Mỹ. Chúng ta sẽ thấy trong vòng 60 – 90 ngày tới, thị trường ngũ cốc sẽ chạm mức thấp nhất trong vòng 24 tháng tới”.
Nhập khẩu của Đông Nam Á đang tăng
Nhu cầu vốn đã mạnh, và sẽ chỉ tăng ngày càng cao, ông Hightower dự báo. “Sản xuất ngày càng tăng và cách tốt nhất để theo dõi tình hình là dự báo ước tính dự trữ trên tiêu dùng. Bảng cân đối hàng hóa liên tục thay đổi và hiện thế giới đang trong tình trạng dư cung nhưng các dự trữ cuối kỳ đang giảm đi”.
Nhập khẩu ngũ cốc của Đông Nam Á bắt đầu tăng. “Tiêu dùng ngũ cốc trên đầu người tại Đông Nam Á đang tiếp tục tăng lên. Chỉ một thay đổi nhỏ tích cực trong tiêu chuẩn sống sẽ dẫn tới một chế độ ăn uống tốt hơn. Từ mức sống nghèo nàn tại Đông Nam Á, chuyển từ thực đơn thủy sản đánh bắt, sang chế độ ăn thực phẩm chế biến, tới thịt và thực phẩm giàu protein. Sự chuyển dịch này tạo nên một động lực lớn cho giai đoạn sắp tới và không thể được đánh giá thấp”.
Ông dự báo thị trường sẽ biến động mạnh hơn, bất chấp nguồn cung dồi dào hơn. “Năm ngoái, thị trường ngũ cốc gặp vấn đề tại Nam Mỹ nhưng những vấn đề này không lớn đối với thị trường đậu tương, và tác động lớn hơn tới thị trường ngô. Tuy nhiên, biến động thị trường ngũ cốc năm 2017 sẽ mạnh hơn. Một số ý kiến cho rằng nguồn cung dồi dào sẽ kìm hãm biến động thị trường nhưng lịch sử cho thấy không phải như vậy”.
Theo World Grain