Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc có còn là thị trường béo bở cho xuất khẩu thịt lợn?
29 | 12 | 2016
Trong 18 tháng vừa qua, Trung Quốc đã trở thành một điểm đến ngày càng quan trọng cho xuất khẩu thịt lợn toàn cầu. Với nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ đầu năm đến nay, USDA dự báo lượng nhập khẩu có thể đạt mức cao kỷ lục 2,4 triệu tấn thịt lợn hơi trong năm 2016. Mặc dù nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã được dự báo tăng mạnh từ trước đó do quy mô đàn giảm, nhưng mức tăng trưởng này vượt mọi dự đoán. Tuy nhiên, do ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc tiếp tục tái cấu trúc, liệu tính hiệu quả tăng có dẫn tới giảm nhu cầu nhập khẩu? Và nếu có thì là khi nào?

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu hiện đại ngành chăn nuôi lợn giai đoạn 2016 – 2020. Để đạt mục tiêu này, chính phủ Trung Quốc đang tăng động lực chuyển dịch từ cơ sở sản xuất gia đình, quy mô nhỏ – trung bình và thúc đẩy sự ra đời của các trang trại quy mô lớn hơn nhiều với quan điểm quy mô lớn hơn sẽ hiệu quả hơn và có lợi thế hơn cho đầu tư về các tiến bộ kỹ thuật và gen. Chính phủ Trung Quốc cũng hy vọng rằng quá trình tái cơ cấu này sẽ cải thiện chất lượng của chăn nuôi lợn Trung Quốc nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Giảm tác động môi trường của chăn nuôi là một mục tiêu khác của chính phủ Trung Quốc. CÁc quy định kiểm soát địa điểm đặt trang trại và xả chất thải được ban hành. Hàng ngàn trang trại buộc phải đóng cưa,r đặc biệt là tại các khu vực tập trung nhiều dân cư, như Bắc Kinh. Nhờ tiếp cận vốn tốt hơn, chính phủ muốn các trang trại lớn di dời tới các khu vực ít dân cư hơn. Tuy nhiên, cho đến nay suy giảm số lượng cơ sở chăn nuôi đã vượt quá tốc độ tái đầu tư, dẫn tới sản lượng thịt lợn Trung Quốc được dự báo giảm 9% trong năm 2016, so với mức cao kỷ lục vào năm 2014, đạt 51,9 triệu tấn thịt xẻ quy đổi.

Diễn biến này trái ngược với nhiều dự đoán đưa ra hồi đầu năm 2016 cho rằng sản xuất thịt lợn Trung Quốc có thể tăng nhẹ so với năm 2015. Nguồn cung suy giảm đang đẩy giá thịt lợn tăng cao, nhưng các yếu tố khác lại kìm hãm mở rộng sản xuất. Nguồn đất đai hạn chế tại các khu vực mà chính phủ Trung Quốc muốn phát triển chăn nuôi, đang làm chậm lại phát triển trang trại quy mô lớn. Lũ lụt tại miền Nam Trung Quốc và sự bùng phát của PEDv cũng cản trở tiến trình.

Các hạn chế này trong sản xuất nội địa là điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng ấn tượng kim ngạch nhập khẩu thịt lợn năm 2016. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tốc độ tăng nhập khẩu đã phần nào chậm lại. Trong tháng 10/2016, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đạt 115.000 tấn, “chỉ tăng” 43% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015 và tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2014.

USDA dự báo sản xuất thịt lợn của Trung Quốc tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2017. Nếu dự báo này chính xác thì nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ giảm, đặc biệt là nếu nguồn cung tăng lên gây áp lực giảm giá mạnh. Diễn biến này có thể dẫn tới cuộc đua giết mổ và nguồn cung ồ ạt vào nửa cuối năm 2017. Một số dự báo cho rằng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2017 sẽ giảm 8%, mặc dù dự báo giảm của USDA chỉ ở mức 4%.

Rõ ràng dự báo về sản xuất thịt lợn của Trung Quốc năm 2017 vẫn còn nhiều tranh cãi về mức độ. Đáng chú ý là dự báo tăng trưởng cho năm 2016 đưa ra trước đây đều sai. Liệu điều này có lập lại cho năm 2017 và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu thịt lợn?

chinese-wholesale-pork-prices

Giá thịt lợn tại Trung Quốc cần phải tiếp tục tăng mạnh để thúc đẩy đầu tư, mặc dù giá thịt lợn bán buôn đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2016, nhưng hiện giá thịt lợn đang quay đầu giảm trở lại tương đương mức giá năm 2015 trong vài tháng vừa qua. Nhập khẩu tiếp tục khuyh hướng tăng và có thể thịt lợn nhập khẩu có giá cạnh tranh từ Mỹ, Brazil và EU đang kìm hãm đà tăng giá thịt lợn nội địa.

Mặc dù thịt lợn nhập khẩu hiện chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tiêu dùng thịt lợn tại Trung Quốc, giá thấp hơn và hình ảnh đẹp hơn với người tiêu dùng cho thấy tiềm năng tăng thị phần. Diễn biến này có thể tác động tiêu cực hơn nữa tới đầu tư vào chăn nuôi lợn tại Trung Quốc, kìm hãm tốc độ mở rộng để đạt các mục tiêu của chính phủ nước này.

Một yếu tố khác hỗ trợ đà tăng trưởng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc là tăng nhu cầu nội địa. Do người dân Trung Quốc ngày càng giàu có, nhu cầu đối với thịt lợn sẽ vượt nguồn cung. Hiệp hội thịt Trung Quốc ước tính tiêu dùng thịt của nước này sẽ đạt 100 triệu tấn đến năm 2020. Thịt lợn chiếm 2/3 tiêu dùng thịt tại Trung Quốc, lên tới 67 triệu tấn. Với mục tiêu sản xuất chỉ ở mức 55 triệu tấn, Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu 12 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu. Những con số này không thể phản ánh đúng thực tế, nhưng chúng nhấn mạnh các cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu trong tương lai.

Về cân bằng cung cầu, có vẻ thịt lợn nhập khẩu sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày một quan trọng trong nguồn cung thịt lợn Trung Quốc trong năm tới và tương lai. Tuy nhiên, diễn biến này cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của chính phủ Trung Quốc trong triển khai tái cơ cấu ngành và tăng sản xuất thịt lợn. Nhìn chung, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường trọng yếu để theo dõi trong năm 2017 do vị thế mới của nước này như một nước nhập khẩu hàng đầu thế giới, nên bất cứ biến động nhu cầu nào cũng sẽ tác động lớn tới giá thịt lợn toàn cầu.

Theo AHDB



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường