Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thực phẩm năm 2017 có thể biến động mạnh hơn năm 2016
13 | 01 | 2017
Theo UN FAO, giá thực phẩm toàn cầu kết thúc năm 2016 giảm giá và đánh dấu bằng một nốt trầm, nhưng năm 2017 có thể là năm có diễn biến giá biến động mạnh hơn năm 2016.

Giá thực phẩm toàn cầu tháng 12 đi ngang so với tháng 11, dù giá đương giảm mạnh 8,6% nhưng được bù đắp nhờ giá sữa và dầu thực vật tăng, theo tính toán của UN FAO. Giá thực phẩm trung bình toàn cầu năm 2016 giảm năm thứ 5 liên tiếp, mặc dù với mức giảm thấp hơn nhiều so với các năm trước, chỉ giảm 1,5%.

“Sản xuất bội thu và triển vọng nguồn cung các ngũ cốc cơ bản đã bù đắp áp lực tăng giá các hàng hóa khu vực nhiệt đới như đường và dầu cọ có sản xuất giảm do tác động của El Nino”, FAO nhận định.

Tuy nhiên, FAO nhấn mạnh khả năng biến động giá mạnh trong năm 2017 do những thay đổi trong tình hình vĩ mô toàn cầu, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và những bất ổn sắp tới gắn liền với châu Âu trong quá trình Brexit.  “Bất ổn kinh tế, bao gồm biến động tỷ giá, có thể tác động mạnh hơn lên các thị trường thực phẩm trong năm 2017”, theo ông Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế học cấp cao tại FAO cho biết.

Ví dụ, FAO nhấn mạnh biến động tỷ giá đã đóng góp lớn khiến giá đường giảm mạnh trong tháng 12, bên cạnh những dự báo cho thấy sản lượng đường tại Brazil cao hơn dự báo. “Giá đường giảm mạnh trên thị trường thế giới trong tháng 12/2016 chủ yếu do đồng Real Brazil liên tục giảm giá so với đồng USD, thúc đẩy xuất khẩu đường từ Brazil, nước sản xuất – xuất khẩu đường lớn nhất thế giới”, theo FAO.

Dữ liệu giá trung bình năm cho thấy giá thực phẩm toàn cầu tiếp tục giảm nhưng có cũng có khuynh hướng phục hồi trong năm vừa qua, với chỉ số giá thực phẩm của FAO kết thúc năm 2016 cao hơn hồi đầu năm 12%.

Giá dầu thực vật tăng mạnh trong hầu hết thời gian năm 2016, tổng cộng tăng 29,3% do sản lượng dầu cọ giảm mạnh sau đợt hạn hán kỷ lục tại Đông Nam Á gây ra bởi El Nino. Trong khi đó, nhu cầu đối với dầu cọ tăng do tăng sử dụng dầu cọ trong nhiên liệu sinh học.

Giá sữa tăng 28,8% trong năm 2016, với đà phục hồi mạnh diễn ra từ giữa năm, trong đó giá bơ và sữa bột nguyên kem tăng mạnh nhất, theo dữ liệu ghi nhận bởi FAO. Trong tháng 12/2016, sản xuất sữa toàn cầu giảm, đặc biệt là tại EU và châu Đại dương, cùng với nhu cầu nội địa và quốc tế cùng tăng đã tiếp thêm động lực tăng giá trên thị trường sữa.

Phân khúc sản phẩm có diễn biến tiêu cực nhất trong năm 2016 trong các nhóm chỉ số giá thực phẩm FAO là ngũ cốc. Kết thúc năm 2016, chỉ số giá ngũ cốc của FAO giảm 6,2% so với hồi đầu năm và chạm mức thấp nhất trong 1 thập kỷ. FAO nhấn mạnh giá lúa mỳ kết thúc năm 2016 ở mức thấp và có thể tiếp tục giảm giá do sản lượng cao hơn dự báo tại Úc, Canada và Nga, cũng như triển vọng sản xuất tốt tại Argentina.

Theo Agrimoney



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường