Chiều 20-9, ông Trần Thanh Nam - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cùng bà Karen Lanyon - Tổng lãnh sự quán Úc - đã đến nhà xưởng thanh long của Công ty TNHH MTV Hoàng Phát tại xã Dương Xuân Hội, Châu Thành, Long An để dự lễ chứng kiến lô hàng thanh long đầu tiên của Việt Nam lên đường sang Úc.
Đây là một cột mốc mới trong quá trình trái thanh long chinh phục thị trường thế giới, là lô hàng đầu tiên kể từ khi thanh long Việt Nam được Úc chính thức chấp nhận nhập khẩu thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long thương mại của Việt Nam vào tháng 1-2017.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết hiện tại cả nước có 32 tỉnh, thành trồng thanh long với diện tích hơn 25.000 ha, sản lượng trên 460.000 tấn/ năm, tập trung nhiều nhất ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An.
Là loại trái cây xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 895 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi và 36,1% trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam, thanh long đã có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ ...
"Hôm nay, sau 9 năm đàm phán, hoàn thiện các thủ tục, trái thanh long đã lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Úc. Và quan trọng, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long tươi vào Úc", thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Thanh long Châu Thành, Long An - Ảnh: TTO
Bà Karen Lanyon bày tỏ sự vui mừng trước việc quan hệ giữa Việt Nam và Úc tiếp tục có thêm một cột mốc mới về giao thương.
"Sống ở Việt Nam, tôi đã được thưởng thức trái thanh long rất tuyệt vời của các bạn. Và hôm nay, tui hết sức vui mừng vì biết rằng từ nay, gia đình, bạn bè của tôi tại Úc cũng có thể thưởng thức loại trái cây tuyệt vời này", bà Karen Lanyon chia sẽ.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An - cho biết để thanh long xuất khẩu được vào Úc, đòi hỏi trái cây nhập khẩu phải từ một nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà họ yêu cầu.
Để đáp ứng được điều này là cả một quy trình từ việc tổ chức tập huấn, dạy nghề, hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên thanh long.
Sau đó phải có các bước sản xuất theo quy trình sạch, rồi xây dựng thương hiệu hàng hóa, tổ chức quản lý theo mô hình hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ, xem xét cả việc thu mua bảo quản...