Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất: Động lực mới cho nông nghiệp Tây Nguyên phát triển
05 | 10 | 2017
Từ một nước còn phải nhập khẩu lương thực cứu đói, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước đột phá, đưa nước ta vào nhóm 5 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Trong đó, nông dân Tây Nguyên đóng góp chính vào 2 ngành hàng quan trọng là cà phê và hồ tiêu. Tuy nhiên, những thành tựu vượt trội trong nông nghiệp do cơ chế tổ chức sản xuất mang lại dường như đã tới ngưỡng. Nông nghiệp Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng đang cần một động lực mới.

Quy hoạch vùng trồng phù hợp

Nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp Tây Nguyên đã và đang có những đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực, cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực về số lượng nhưng an ninh lương thực về chất lượng và nguy cơ giảm sức cạnh tranh các ngành hàng chủ lực đang thách thức nông nghiệp Việt Nam. Sức cạnh tranh của các ngành hàng suy giảm do hiệu quả sử dụng đất và lao động thấp so với khu vực, nông sản xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô/giá trị thấp, và ngay ở trong nước thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chi phí môi trường cao, thoái hoá giống và đất trồng, ô nhiễm nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu đang là những vấn đề rất đáng quan ngại.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, nếu ngành nông nghiệp không chủ động tái cơ cấu và tổ chức sản xuất - kinh doanh nông nghiệp một cách khoa học thì sự phát triển bền vững của các ngành hàng quan trọng ở Tây Nguyên như cao su, cà phê, tiêu, rau, hoa hiện nay; và các sản phẩm ong, dược liệu, vật nuôi, thủy sản trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng, giảm sức cạnh tranh và rất khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, rất khó tạo ra niềm tin cho khách hàng trong và ngoài nước.

Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên
 
Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết: Tây Nguyên có tiềm năng về đất đai, khí hậu, cây con bản địa giá trị cao để phát triển nông nghiệp hàng hoá nhưng cần quy hoạch vùng trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và nhu cầu thị trường. Việc này cần sự nghiên cứu và tư vấn của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN xây dựng và thiết kế các chương trình nghiên cứu - phát triển nông nghiệp Tây Nguyên mang tính tổng thể, cả về khoa học quản lý, cơ chế - chính sách, thị trường và kĩ thuật - công nghệ, trong đó có vấn đề quy hoạch vùng trồng và vùng sản xuất nông nghiệp đi liền với tổ chức nông dân, tổ chức thị trường gắn với công nghệ cao, tạo dựng nền nông nghiệp hữu cơ ở Tây Nguyên.

Hướng đi tất yếu

Đánh giá cao sự quan tâm và nỗ lực của các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài, gắn sản xuất với thu mua, chế biến và bao tiêu sản phẩm, đã quan tâm đầu tư để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, đồng chí Tô Lâm đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, các ngân hàng và UBND các tỉnh tại Tây Nguyên xây dựng chương trình hỗ trợ và cơ chế chính sách thuận lợi để xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất - kinh doanh công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân, để đưa các ngành hàng chủ lực của Tây Nguyên tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài cây hồ tiêu, nông dân Tây Nguyên đóng góp chính vào ngành hàng quan trọng là cà phê

“Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Tây Nguyên. Hiện nay Chính phủ đã có chủ trương đầu tư rất lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện thành công ở Tây Nguyên cần phối hợp thực hiện của 4 nhà nhưng dẫn dắt phải là nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, UBND các tỉnh và các ngân hàng xây dựng các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đặt hàng các doanh nghiệp, các nhà khoa học tham gia xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên. Đặc biệt TP. Buôn Ma Thuột là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên phải gấp rút xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo đà phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho toàn vùng”, đồng chí Tô Lâm nói.

Hiện nay, bên cạnh việc quy hoạch vùng trồng, liên kết sản xuất, xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, việc phát triển nông nghiệp Tây Nguyên cần gắn với đào tạo nâng cao trình độ cho người dân, duy trì nguồn giống cây trồng bản địa và nhập nội có giá trị cao, xây dựng trung tâm bác sỹ cây trồng ứng dụng công nghệ hiện đại để kịp thời hỗ trợ người dân phòng chống sâu bệnh. Đồng thời, phát triển sản xuất những cây trồng mới giá trị cao phù hợp với thời tiết khí hậu của Tây Nguyên như ngành hàng rau, quả và hoa. Ngoài ra, các bộ ban ngành cần tập hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước, tổ chức thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về các lĩnh vực cơ chế và chính sách, quản lý và thị trường, kĩ thuật và công nghệ để nông nghiệp Tây Nguyên nhanh chóng chuyển mình theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp nông nghiệp, làm giàu cho đất và người Tây Nguyên, biến các tiềm năng nông nghiệp của Tây Nguyên thành hiện thực.

"Nói đến Tây Nguyên là phải nói đến rừng, tôi đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu về các loại cây rừng (đặc biệt là cây gỗ lớn) có hiệu quả kinh tế cao để người dân có thể sống và làm giàu từ rừng. Như vậy mới khôi phục, phát triển được rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn Tây Nguyên".

Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên

Theo Kinh tế nông thôn

 


Báo cáo phân tích thị trường