Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc: Cần đánh thức tiềm năng!
10 | 10 | 2007
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Đào Ngọc Chương: Mặc dù hiện nay Việt Nam vẫn nhập siêu từ Trung Quốc, song Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường tiềm năng lớn đối với hàng xuất khẩu Việt Nam

PV: Thưa Tham tán, có phải thị trường với hơn 1,3 tỉ dân là nhân tố khiến ông đưa ra nhận định lạc quan như vậy?

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng trong giai đoạn 2001-2006, lần lượt từng năm đạt: 1.418 triệu USD, 1.495 triệu USD, 1.747 triệu USD, 2.735 triệu USD, 2.961 triệu USD, 3.200 triệu USD.

Hiện nay Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Ông Đào Ngọc Chương: Điều đó cũng đúng một phần. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là thị trường láng giềng khổng lồ về một số mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh và có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Đó là nhóm hàng nông sản nhiệt đới, gồm cao su, hạt điều, gạo cao cấp, sắn lát, rau quả nhiệt đới; nhóm hàng công nghiệp như giày dép, dây cáp điện, linh kiện điện tử… Đây là những mặt hàng mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lâu dài sang Trung Quốc.

Một lý do khác nữa là tại thời điểm này, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cùng với những tác động tích cực của gặp gỡ cấp cao hai nước, môi trường cải cách mở cửa của cả hai bên, quan hệ hợp tác thương mại Việt - Trung đã phát triển lên một tầm cao mới. Trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tham tán Đào Ngọc Chương

PV: Như ông nói, tiềm năng xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc là rất lớn. Vậy làm thế nào để biến tiềm năng đó thành hiện thực?

Ông Đào Ngọc Chương: Tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể của không riêng ngành Thương mại mà cả các ngành Công nghiệp, Du lịch, Giao thông vận tải.... Trong đó, phải rõ ràng trách nhiệm và nhiệm vụ của từng ngành, từng hiệp hội, từng doanh nghiệp, cũng như các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Nếu chúng ta không rõ ràng và tích cực hành động thì chúng ta chỉ có tiềm năng, chúng ta nói về tiềm năng chứ chúng ta không thể làm được.

Về phía doanh nghiệp, cá nhân tôi cho rằng hiện rất nhiều doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn do thói quen tạo ra. Những năm trước chúng ta chỉ quen với buôn bán biên giới, làm ăn nhỏ lẻ, chụp giựt thì bây giờ cần phải thay đổi. Chúng ta muốn làm ăn với Trung Quốc ở tầm lớn, muốn có những hợp đồng xuất khẩu lâu dài thì cần phải thay đổi tư duy, tác phong cũng như cách làm với một suy nghĩ buôn bán lâu dài. Có như vậy chúng ta mới có thể chiếm lĩnh thị trường và tận dụng được những lợi thế của mình.

PV: Vậy, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc sẽ có những biện pháp hỗ trợ gì cho doanh nghiệp, thưa Tham tán?

Ông Đào Ngọc Chương: Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhãn hiệu, trong việc giới thiệu đối tác, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên có thể gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu lẫn nhau.

Nếu doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu các thông tin pháp lý, cơ chế, quy chế về xuất khẩu, đầu tư; tìm hiểu các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng… Thương vụ cũng rất sẵn sàng trợ giúp, tư vấn.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đạt 3,6 tỉ USD trong năm 2007, tăng 10,9%. Mục tiêu đến năm 2010 là 6,1 tỉ USD, và đạt 10,1 tỉ USD vào năm 2015. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc bình quân cả giai đoạn 2007 - 2015 đạt mức 13,1%/năm.

PV: Theo Tham tán, triển vọng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc trong năm 2007 và những năm tiếp theo sẽ như thế nào?

Ông Đào Ngọc Chương: Trong 10 năm tới, do nhu cầu về năng lượng, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, nhu cầu các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc sẽ rất lớn nên Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là thị trường lớn đầy tiềm năng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tôi cho rằng, nhu cầu thị trường Trung Quốc đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như than đá, dầu thô, cao su, cà phê, hàng nông - lâm sản… trong giai đoạn 2007-2015 vẫn rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm một phần thị trường tương đối khiêm tốn ở Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, về tính chất bổ sung trong cơ cấu hàng hoá giữa hai nước và những nhân tố có lợi khác để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

14 nhóm mặt hàng xuất khẩu tiềm năng vào thị trường Trung Quốc

1. Cao su: Năm 2006, Trung Quốc nhập khẩu 2,76 tỉ USD; hàng Việt Nam xuất sang mới đạt 773 triệu USD.

2. Cà phê: hiện nay nhu cầu của Trung Quốc khoảng hơn 100 triệu USD/năm, Việt Nam mới xuất khẩu được 13-14 triệu USD/năm.

3. Chè: Nhu cầu thị trường Trung Quốc khoảng trên 50 triệu USD chè các loại, Việt Nam mới xuất khẩu được 7 triệu USD.

4. Dây cáp điện: Năm 2006 Trung Quốc nhập khẩu 3,1 tỉ USD dây cáp điện, Việt Nam mới xuất khẩu ở mức 10,7 triệu USD.

5. Gạo cao cấp: Năm 2006, Việt Nam xuất khẩu 12 triệu USD, trong khi Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu rất lớn.

6. Giày dép: Trung Quốc nhập khẩu 554 triệu USD hàng giày dép trong năm 2006. Việt Nam mới xuất khẩu được khoảng 37-38 triệu USD.

7. Hạt điều: Năm 2006, thị trường Trung Quốc tiêu thụ 1,6 tỉ USD, trong khi đó Việt Nam mới xuất sang được 84-85 triệu USD.

8. Hạt tiêu: thị trường Trung Quốc 2006 tiêu thụ 1.350 tấn, Việt Nam mới xuất khẩu chưa đầy 300 tấn.

9. Sản phẩm gỗ: Năm 2006, Trung Quốc nhập khẩu 13,6 tỉ USD. Các sản phẩm gỗ chất lượng cao Việt Nam xuất sang mới đạt 82,2 triệu USD.

10. Sản phẩm nhựa: Năm 2006 thị trường Trung Quốc nhập khẩu 2,6 tỉ USD, trong khi đó Việt Nam xuất sang ở mức khiêm tốn 6,5 triệu USD.

11. Dầu thực vật: Năm 2006 Trung Quốc nhập khẩu 2,75 tỉ USD, ta mới xuất sang 2,78 triệu USD.

12. Linh kiện điện tử, điện máy: Năm 2006, Trung Quốc nhập khẩu 13 tỉ USD, Việt Nam xuất khẩu 7,5 tỉ USD.

13-14. Sắn lát và tinh bột sắn: Hàng năm Trung Quốc tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn. Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho thấy nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này luôn ổn định qua nhiều năm.

Tham tán Đào Ngọc Chương



vov
Báo cáo phân tích thị trường