Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo cáo triển vọng hàng hóa WB: Thực phẩm
06 | 11 | 2017
Chỉ số giá ngũ cốc của WB giảm 2% trong quý 3/2017 so với quý 2 và hiện chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh điểm đạt được hồi cuối năm 2012, chủ yếu phản ánh giá ngô và gạo giảm. Mặc dù nguồn cung ngũ cốc toàn cầu (dự trữ đầu kỳ + sản xuất) được dự báo giảm nhẹ so với niên vụ trước, chủ yếu do giảm diện tích sản xuất, đánh giá mới nhất về niên vụ hiện tại vẫn cho thấy diễn biến sản xuất rất thuận lợi.

Sản lượng lúa mỳ toàn cầu, được điều chỉnh tăng trong niên vụ hiện tại, được dự báo đạt 751 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức sản lượng 754 triệu tấn trong niên vụ trước, theo USDA.

Các khu vực sản xuất lúa mỳ lớn toàn cầu nhìn chung đều tốt. Tất cả các nước sản xuất lúa mỳ tại Trung Á (Kazakhstan, Nga và Ukraine) đều có điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất, trong khi sản xuất lúa mỳ vụ đông tại Bắc Mỹ và Nam bán cầu (đáng chú ý là Argentina và Úc) đều đang diễn ra như kỳ vọng.

Tiêu dùng lúa mỳ toàn cầu được dự báo không thay đổi so vứi niên vụ trước, chỉ số dự trữ/tiêu dùng đối với lúa mỳ – chỉ số đánh giá nguồn cung tương đối so với nhu cầu) được dự báo vượt 36%, mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ.

Sản xuất ngô được dự báo giảm hơn 3% trong niên vụ hiện tại. Mặc dù sản xuất tại Mỹ, nước cung ứng ngô lớn nhất thế giới, rất thuận lợi, thời tiết khô hạn đang gây lo ngại cho sản xuất ngô tại EU và Ukraine. Hoạt động gieo hạt cho mùa sản xuất mới đang diễn ra và diễn biến khác tốt tại Nam bán cầu, đặc biệt là tại Argentina và Brazil. Tiêu dùng ngô toàn cầu được dự báo tăng 2%, đẩy tỷ lệ dự trữ/tiêu dùng lên 19%, giảm 3 điểm phần trăm so với niên vụ trước nhưng vẫn cao hơn mức thấp đạt vào năm 2010 – 12.

Sản xuất gạo toàn cầu được dự báo giảm nhẹ 3 triệu tân xuống còn 489 triệu tấn trong niên vụ 2017 – 18, chủ yếu do diễn biến sản xuất trái chiều tại một số nước châu Á, đáng chú ý là Trung Quốc, bắc Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động sản xuất lúa gạo tại Ấn Độ, Indonesia và Philippines diễn biến thuận lợi.

Do tiêu dùng gạo toàn cầu được dự báo duy trì ổn định, tỷ lệ dự trữ/tiêu dùng của gạo được cho là sẽ đạt 30%, mức cao nhất trong 11 năm.

Dựa trên đánh giá hồi tháng 10 của USDA – lần cập nhật tình hình niên vụ hiện tại lần thứ 6 – tổng nguồn cung toàn cầu (dự trữ đầu kỳ + sản xuất) của lúa mỳ, ngô và gạo được dự báo đạt 2.896 triệu tấn trong niên vụ hiện tại, giảm 8 triệu tấn so với niên vụ 2016-17.

Chỉ số giá các loại dầu và bột của WB tăng 1% trong quý 3/2017 so với quý 2, nhưng vẫn thấp hơn 6% so với trung bình cùng kỳ năm 2016.

Tăng giá đậu nành, dầu đậu nành và dầu nhân cọ đối ứng cân bằng với giảm giá dầu cọ và dầu dừa do nguồn cung dồi dào tại Indonesia và Malaysia.

Triển vọng sản xuất dầu ăn vẫn thuận lợi sau khi El Nino gây tác động nghiêm trọng trong năm 2015-16. Sản lượng toàn cầu của 8 loại dầu ăn được tiêu dùng nhiều nhất (bao gồm dầu cọ, dầu đậu tương và dầu hạt cải) được dự báo đạt 192 triệu tấn, tăng 5% so với niên vụ trước và lũy kế tăng 10% so với sản lượng niên vụ 2015-16. Hơn một nửa mức tăng trưởng dự báo đến từ dầu cọ, chủ yếu sản xuất tại Indonesia và Malaysia và dầu đậu tương, trong đó Argentina, Brazil và Mỹ là những nhà sản xuất chính.

Triển vọng nguồn cung niên vụ tới (từ tháng 10/2017 – 9/2018) cũng tích cực, với nguồn cung từ 10 loại dầu từ hạt dự báo đạt mức cao 562 triệu tấn, tăng so với mức sản lượng 560 triệu tấn trong niên vụ hiện tại. Sản lượng đậu tương được dự báo giảm nhẹ, nhưng bù lại là sản xuất hạt bông, cọ nhân và hạt cải tăng.

Bất chấp nguồn cung ngũ cốc niên vụ hiện tại giảm nhẹ (chủ yếu do giảm diện tích canh tác), nguồn cung phần lớn hàng hóa thực phẩm vẫn đủ. Hai trong ba loại ngũ cốc chính (lúa mỳ và gạo) có tỷ lệ dự trữ/tiêu dùng đạt mức cao nhất trong nhiều năm.

Với các điều kiện nguồn cung này, chỉ số giá nông sản của WN được dự báo duy trì ổn định trong năm 2017 so với các năm trước đó và được dự báo tăng nhẹ trong năm 2018. Diễn biến nguồn cung của từng hàng hóa cụ thể sẽ gây ra một vài biến động về giá trong năm 2017 – giảm giá đồ uống, giảm nhẹ giá các loại dầu và bột, tăng giá nguyên liệu thô. Dự báo giá các hàng hóa nông sản đều sẽ tăng nhẹ trong năm 2018.

Tuy nhiên, điều kiện thời tiết thuận lợi, thị trường thực phẩm toàn cầu được cung ứng tốt và giá thế giới tương đối thấp không giúp mọi nơi trên thế giới đều đủ lương thực thực phẩm. Hạn hán tại Đông Phi tồi tệ nhất trong 60 năm khiến sản xuất thất bát tại các khu vực của Ethiopia, Kenya và Somalia, dẫn đến thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng. Xung đột đẫm máu tại Nigeria, Nam Sudan và Yemen cũng đẩy hàng triệu người ra khỏi nhà và hàng triệu người khác lâm vào tình trạng cần lương thực thực phẩm khẩn cấp. An ninh lương thực có thể sẽ diễn biến tiêu cực tại các khu vực này do lương mưa cuối năm nay và đầu năm tới được dự báo ở mức thấp hơn trung bình.

Theo World Bank (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường