Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không được tuỳ tiện thu hồi đất của dân
29 | 08 | 2007
Ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị kiểm điểm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, diễn ra trong hai ngày 27 - 28.2 tại HN.

Tại hội nghị, hàng loạt vướng mắc, ách tắc trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, gây khiếu kiện... đã được các vị lãnh đạo nhiều địa phương nêu ra với lý do: Vì Luật Đất đai (LĐĐ).

Đổ lỗi cho luật

Nói về những bất cập trong việc thực thi những chính sách quản lý đất đai, lãnh đạo nhiều địa phương "đồng loạt" đổ ngay lỗi cho LĐĐ 2003. Phó Chủ tịch UBND TPHN Lê Quý Đôn cho rằng: Chính sách quy định pháp luật về đất đai của Nhà nước đang còn có nhiều bất cập, đang gây nên những vấn đề phức tạp.

Cụ thể, sau khi LĐĐ 2003 có hiệu lực, do những yêu cầu của luật đã làm cho tiến độ đưa đất đai vào sử dụng và xây dựng tại HN giảm 50% diện tích so với những năm trước đó. Cũng theo ông Đôn, việc thực hiện LĐĐ 2003 đang là nguyên nhân làm tăng khiếu kiện và khiếu kiện kéo dài của dân trong thời gian vừa qua xung quanh vấn đề đất đai. Việc quy định buộc DN phải thoả thuận với dân về giá đất đền bù đang gây ách tắc trong đền bù GPMB triển khai dự án.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - ông Trần Ngọc Thới - cho biết: Việc quy định giá đất theo LĐĐ là một trong những vấn đề làm phức tạp trong việc quản lý đất đai tại địa phương, làm cho DN càng đi sau càng khó khăn trong việc giải toả thu hồi đất.

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Mai Văn Ninh thì cho rằng: Khiếu nại tố cáo của dân phát sinh nhiều một phần là do nguyên nhân của LĐĐ và các nghị định thi hành LĐĐ. Vấn đề xác định và công bố giá đất thực tế ở địa phương đang có những bất cập, chưa phù hợp với giá cả thực tế thì rất khó khăn trong tính giá đền bù và thu hồi giải toả đất...

Quyền lợi của dân phải được bảo đảm

Chưa đồng tình với một số ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Mai ái Trực đã cho rằng: Nói đất đai là sở hữu của toàn dân, nhưng các địa phương mới chỉ nói đến một vế. Còn vế thứ hai không kém phần quan trọng là vấn đề giao đất cho người sử dụng đất, và người sử dụng đất có các quyền theo quy định của pháp luật. Chỉ trừ một quyền là khi Nhà nước có nhu cầu cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, cho phát triển kinh tế... thì người dân phải chấp hành.

Đối với vấn đề giá đất mà nhiều địa phương đang bức xúc, Bộ trưởng cho biết: Nghị quyết T.Ư 4 mới đây đã quy định: "Xoá bỏ mọi hình thức bao cấp về giá, bảo đảm giá hàng hoá phải theo cơ chế thị trường", mà quyền sử dụng đất là hàng hoá, do đó giá đất phải được đối xử như một thứ hàng hoá theo giá trị của nó trong vấn đề đền bù, bồi thường khi thu hồi giải toả đất đai.

Đồng tình với quan điểm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Không thể có việc tuỳ tiện thu hồi đất của dân. Theo Thủ tướng, người dân sống trên mảnh đất là người chủ trực tiếp, họ có quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Đây là quyền lợi chính đáng của người dân, do đó không thể nói rằng vì việc thực hiện các quyền sở hữu của người dân mà gây ra khiếu kiện.

Nhà nước chỉ quyết định thu hồi, quyết định đền bù đối với những công trình công cộng, KCN, cụm công nghiệp... còn ngoài ra những dự án nhóm B, nhóm C không nằm trong diện này thì phải thoả thuận với dân.

Quyền sử dụng đất là quyền dân sự và phải được đối xử bằng pháp luật về dân sự chứ không phải là quyền của Nhà nước hết. Và cũng không thể lấy lý do đất đai là sở hữu toàn dân mà ép người dân thu hồi không cần đền bù như đã từng xảy ra trước đây.

Bộ trưởng khẳng định: Không thể lấy đất của người dân để phát triển kinh tế bằng cách bắt người dân phải hy sinh quyền lợi cho DN được. Và không thể vì làm đường quốc gia phục vụ lợi ích chung mà bắt một nhóm người phải hy sinh quyền lợi cho chuyện đó. Không thể muốn làm gì thì làm đối với quyền dân sự của người dân.

(Bộ trưởng Mai Ái Trực)



(Nguồn: Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường