Ông Charoen cho biết nhu cầu cao trong dịp nghỉ lễ cuối năm có thể giúp Thái Lan tăng xuất khẩu gạo trong tháng 12 và có thể đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2017 của nowcs này lên 11 triệu tấn. Nhưng mức xuất khẩu này vẫn chưa đủ để Thái Lan giành lại vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – vị trí mà nước này nắm giữ trong hơn 3 thập kỷ và chỉ bị tước ngôi lần đầu tiên vào năm 2012, khi xuất khẩu tụt giảm mạnh xuống còn 6,9 triệu tấn, so với mức 10,6 triệu tấn năm 2011.
Xuất khẩu gạo Thái Lan suy giảm mạnh trong mạnh 2012 phần lớn là do cơ chế thu mua gạo của chính phủ bà Yingluck Shinawatra, khi đó chào mua lúa gạo từ nông dân với giá cao hơn 50% so với giá thị trường. Hệ quả là giá gạo Thái Lan trở nên mất khả năng cạnh tranh và phần lớn gạo bị kìm giữ trong các kho gạo chính phủ, gây áp lực lên giá gạo nhiều năm về sau.
Ông Charoen cho biết Cơ quan Ngoại thương của Bộ Thương mại đã dần bán hết 18 triệu tấn gạo trong các kho dự trữ chính phủ và hoàn thành gánh nặng này vào giữa năm 2017. Hiện Thái Lan chỉ còn 1 triệu tấn gạo không dùng làm thực phẩm trong kho dự trữ, chủ yếu để dùng làm TACN và các mục đích khác trong năm 2018.
Ông cho biết thêm một yếu tố lớn khác cần theo dõi sát sao trong năm 2018 là tỷ giá. Đồng Baht mạnh lên có thể khiến Thái Lan chỉ xuất khẩu được 9,5 triệu tấn gạo trong năm tới do giá gạo Thái trở nên kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Chúng tôi rất lo ngại về diễn biến đồng Baht tăng giá, và tăng khá nhanh”. Ông Charoen cho biết đồng Baht đã tăng hơn 9% lên mức cao nhất trong 31 tháng, chạm mốc 32,5 Baht/USD. Trong khi đó, VNĐ chỉ tăng 2% trong cùng kỳ, giúp Việt Nam – đối thủ cạnh tranh chính của Thái Lan, có cơ hội chào bán gạo với giá thấp hơn.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)