Giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng 10 USD/tấn so với tuần trước, lên 416 – 419 USD/tấn. “Tâm lý thị trường cải thiện nhờ nhu cầu từ Bangladesh. Các thương nhân đang đầu tư tích trữ trước dự báo Bangladesh sẽ tăng mua trong quý 1/2018”, một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang miền Nam Andhra Pradesh cho biết.
Bangladesh nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 sau khi lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng, sẽ nhập khẩu 150.000 tấn gạo từ Ấn Độ theo thỏa thuận chính phủ, với giá 440 USD/tấn, theo các nhà chức trách hai bộ thực phẩm của hai nước cho hay. Đồng thời, nguồn cung gạo vụ mới của Ấn Độ bắt đầu tăng, nhưng chính phủ Ấn Độ cũng đang tăng cường thu mua, khiến giá liên tục tăng.
Đồng Rupee tăng giá cũng buộc các nhà xuất khẩu phải nâng giá cho những người mua nội địa, theo một nhà xuất khẩu khác tại Kakinada cho biết. Đồng Rupee mạnh lên đang gây thiệt hại cho lợi nhuận của các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ.
Trong khi đó, nhu cầu gạo đối với Thái Lan và Việt Nam vẫn ở mức thấp do các kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới đang đến gần tại nhiều nước nhập khẩu lớn, khiến những người mua đứng ngoài thị trường trong thời điểm này. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu vẫn lạc quan về các thỏa thuận mới. “Do sắp hết năm cũ nên những người mua không hoạt động sôi động trong thời điểm này”, một thương nhân tại Bangkok cho hay. Giá gạo Thái 5% tấm tuần này chào bán ở mức 390 – 400 USD/tấn, FOB Bangkok, so với mức 401 – 405 USD/tấn hồi tuần trước.
Các thương nhân hiện vẫn hy vọng Hội đồng các vấn đề ngoại giao của EU đang nối lại các cam kết chính trị với Thái Lan và có khả năng nối lại các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do EU – Thái Lan. “Nếu FTA EU – Thái Lan thành hiện thực, xuất khẩu gạo Thái Lan sang EU sẽ được thúc đẩy. Tuy nhiên, EU hiện đang không phải là thị trường mua gạo lớn của Thái Lan”, theo một thương nhân tại Bangkok cho hay.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức 390 – 400 USD/tấn, so với mức 395 USD/tấn hồi tuần trước. Các thương nhân cho biết một số nhà nhập khẩu tư nhân từ Philippines đã tiếp cận các thương nhân Việt Nam để đàm phán mua gạo do Cơ quan Thực phẩm Philippines NFA đã phê chuẩn hạn ngạch nhập khẩu theo Lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) năm 2017. “Hạn ngạch năm nay sẽ giảm và tôi nghĩ các nhà nhập khẩu Philippines có thể mua khoảng 50.000 tấn gạo từ Việt Nam”, một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cho hay. Tuy nhiên, một số thương nhân khác cho rằng người mua sẽ đợi cho đến khi có nguồn cung mới và giá chào bán hấp dẫn hơn khi vụ đông xuân sẽ thu hoạch vào tháng 2/2018.
Theo Reuters (gappingworld.com)