Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân Tam Nông thử nghiệm sử dụng phân bón chậm tan
21 | 12 | 2017
5 thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX) Tiến Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) được Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ chọn thực hiện thử nghiệm sử dụng phân bón chậm tan (còn gọi là phân bón thông minh)/10.000 mét vuông lúa hè thu 2016...
 
 

Sau thử nghiệm thành công, vụ lúa 2017, HTX Tiến Cường tiếp tục mở rộng diện tích sử dụng loại phân bón này trên cánh đồng 20.000 mét vuông và HTX Hiệp Phát (xã Phú Hiệp) cũng sử dụng trên diện tích hơn 2.000 mét vuông…  Phân bón chậm tan do Cty CP Mỹ Lan và Cty CP Rynan AgriFood cung cấp không thu tiền và chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng.

Tại 2.000 mét vuông lúa sử dụng phân bón chậm tan của anh Âu Văn Hùng lúa đã oằn bông, chín vàng. Anh Hùng cho biết, anh gieo sạ giống lúa Jasmine, dự đoán năng suất đạt 550 - 600kg lúa/công. Nói về sự khác biệt và lợi ích giữa phân bón chậm tan so với phân bón thông thường, anh Hùng nói: “Tôi sử dụng phân bón chậm tan trước khi làm đất lần cuối cùng, bón rồi trạc đất lại, sạ bình thường. Bón một lần cho tới lúc lúa trổ chín. Sử dụng phân bón chậm tan khỏi cần bón lót hoặc bón các cử khác. Bón một lần nên giảm được chi phí. Lượng phân sử dụng cũng ít hơn, chỉ bón 37,5kg/công. Phân bón thông thường trước đây tôi sử dụng 50 -  55 kg/công, thường phải bón 6 đợt”.

Ông Nguyễn Bá Luận cũng sử dụng phân bón chậm tan trên 2.000 mét vuông ruộng giống Jasmine. “Sử dụng phân bón chậm tan lợi ích trước mắt là giảm số lần rải phân. Loại phân này không bị trôi theo dòng nước hoặc bốc hơi nên giảm ô nhiễm môi trường, giảm gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản…” - ông Luận cho biết.

Phân bón chậm tan kích cỡ cũng tương đương phân DAP hay phân NPK, nhưng có lớp chất dẻo nano bao bọc. Bên ngoài cùng còn có thêm lớp chất dẻo giống như bao viên thuốc con nhộng trong ngành dược phẩm. Các lớp chất dẻo này có tích hợp thuốc diệt ốc bươu vàng và thuốc diệt cỏ nên nông dân không cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Loại phân này sau khi bón tan chậm trong 10 ngày đầu, 95% lượng phân còn lại sẽ tan nhanh trong 50 ngày sau đó…

Ông Trần Đức Vĩnh - ngụ ấp B, xã Phú Cường -  nhận xét: “Tham quan mô hình bón phân chậm tan rồi so sánh với ruộng bón phân thông thường, tôi thấy ruộng lúa bón phân chậm tan màu sắc đẹp hơn, lúa chín đồng đều hơn…”.  Tuy nhiên, do Cty chưa công bố giá của loại phân này nên nông dân chưa tính được cụ thể giá thành sản xuất và lợi nhuận.

Hiệu quả sử dụng phân bón chậm tan trên ruộng lúa tại 2 HTX Tiến Cường và Hiệp Phát, theo đáng giá của nông dân là rất thiết thực:  Lúa cứng cây, ít bị đổ ngã; tiết kiệm được chi phí đầu tư và công chăm sóc; không làm ảnh hưởng môi trường đất, nước và không khí, bảo vệ sức khỏe của nông dân... HTX Tiến Cường và nhiều nông dân ở xã Phú Cường muốn mở rộng diện tích lúa sử dụng phân bón chậm tan và giá bán loại phân này tương đương với các loại phân bón thông thường trên thị trường…

Ông Lê Thanh Hiệp - Giám đốc HTX Tiến Cường - cho biết: “Qua các lần thăm đồng, tôi đánh giá chất lượng hạt lúa sử dụng phân bón chậm tan và sử dụng phân bón thông thường tương đương nhau, nhưng sử dụng phân bón chậm tan có một số lợi ích. Nông dân và HTX mong muốn duy trì quan hệ với Tập đoàn Mỹ Lan để tiếp nhận phân bón chậm tan với giá phù hợp để sử dụng trong thời gian tới…”. 



Theo báo laodong.vn
Báo cáo phân tích thị trường