Theo ông U Khin Maung Lwin, trợ lý thư ký Bộ Thương mại Myanmar, nhu cầu đối với gạo Myanmar năm 2017-18 tăng lên mức cao nhất trong 50 năm, khi xuất khẩu gạo ước tăng từ 2,2 triệu tấn năm 2016-17 lên 2,5 – 2,8 triệu tấn trong năm tài khóa hiện tại. U Nay Lin Zin, đồng thư ký Liên hiệp gạo Myanmar (MRF), cho biết giá trị xuất khẩu gạo của Myanmar trong năm 2017-18 có thể lên đến 800 triệu USD.
Trong 8 tháng đầu năm tài khóa 2017-18, Myanmar đã xuất khẩu hơn 2 triệu tấn gạo, trị giá 600 triệu USD, là mức cao nhất trong 50 năm, theo Bộ trường Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi Myanmar Aung Thu thông báo trong hội thảo thường niên của MRF. Xuất khẩu gạo của Myanmar đạt mức cao nhất trong thập niên 30 của thế kỷ trước, với kim ngạch hơn 3 triệu tấn. Từ thập niên 60 trở đi, xuất khẩu giảm mạnh chỉ còn bằng 1/3 so với trước đó, với mức xuất khẩu cao nhất chỉ hơn 1 triệu tấn. Cùng kỳ năm 2016-17, xuất khẩu gạo của Myanmar đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 200 triệu USD. Trong năm tài khóa trước đó, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Myanmar đạt 1,7 triệu tấn.
Tăng xuất khẩu gạo trong năm tài khóa 2017-18 chủ yếu do nhu cầu tăng từ các nước châu Phi và các hợp đồng chính phủ giữa Myanmar với Sri Lanka và Bangladesh.
Sri Lanka và Bangladesh vốn là những nước xuất khẩu gạo nhưng sản xuất lúa gạo năm 2017 của hai nước này thiệt hại nghiêm trọng do thời tiết xấu, gây thiếu hụt nguồn cung. Với các nguồn cung từ Campuchia và Việt Nam vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, các nước này tích cực nhập khẩu gạo từ Myanmar.
Hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu gạo của Myanmar trong năm 2017-18 được vận chuyển bằng đường biển. Khoảng 53% sản lượng gạo xuất khẩu năm nay được vận chuyển bằng đường biển, phần còn lại được bán sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới Myanmar – Trung Quốc như Muse. Trước đây, gạo chủ yếu được giao dịch biên mậu với Trung Quốc, chiếm đến 80% và chỉ 20% được xuất khẩu bằng đường biển.
Theo Myanmar Times (gappingworld.com)