Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 169,8 điểm trong tháng 12/2017, giảm 5,8 điểm (3,3%) so với tháng 11 với mức giá giảm mạnh nhất được ghi nhận ở các nhóm hàng sữa, dầu thực vật và đường; trong khi giá ngũ cốc và thịt cũng giảm nhưng chỉ giảm nhẹ. Trong cả năm 2017, FFPI đạt trung bình 174,6 điểm, tăng 8,2% so với năm 2016 và là mức trung bình năm cao nhất kể từ năm 2014, mặc dù vẫn thấp hơn 24% so với mức cao đỉnh điểm gần 230 điểm trong năm 2011. Giá đường giảm trong năm 2017 nhưng giá sữa và thịt tăng mạnh; giá ngũ cốc và các loại dầu cũng tăng nhẹ.
Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 152,7 điểm trong tháng 12, giảm nhẹ so với tháng 11 nhưng vẫn cao hơn 7,4% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn cung dồi dào và hoạt động giao dịch chậm lại là nguyên nhân chính khiến giá lúa mỳ giảm. Tuy nhiên, giá ngô quốc tế tăng nhẹ, phản ánh lo ngại thời tiết bất lợi tại Argentina. Giá gạo cũng tăng nhẹ nhờ nhu cầu nhập khẩu cao và sự tăng giá của đồng tiền một số nước xuất khẩu gạo lớn. Trong cả năm 2017, chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 151,6 điểm, tăng 3,2% so với năm 2016 nhưng vẫn thấp hơn 37% so với mức cao kỷ lục vào năm 2011.
Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 162,6 điểm trong tháng 12, giảm 9,6 điểm (5,6%) so với tháng 11, đánh dấu mưc thấp nhất trong vòng 5 tháng. Giá dầu thực vật giảm là do giá dầu cọ, dầu hạt cải và dầu đậu nành đồng loạt giảm. Giá dầu cọ trên thị trường quốc tế giảm mạnh, do dự trữ tại Malaysia và Indonesia ở mức cao nhất trong vòng 2 năm, chủ yếu do sản xuất ở mức tương đối cao và nhu cầu xuất khẩu yếu. Đối với dầu hạt cải, sản lượng tăng tại Canada và Úc đã gây áp lực lên giá; trong khi giá dầu dậu tương giảm là do áp lực từ giá dầu cọ. Trong cả năm 2017, chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình gần 169 điểm, tăng 3% so với năm 2016 nhưng vẫn thấp hơn các mức đỉnh ghi nhận vào năm 2008 và 2011.
Chỉ số giá thịt của FAO đạt trung bình 171,6 điểm trong tháng 12, giảm nhẹ so với tháng 11. Giá thịt bò quốc tế giảm, chủ yếu do nguồn cung chào bán tăng lên trên cả các thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, giá thịt lợn, thịt gà và thịt cừu đi ngang, phản ánh cân bằng cung – cầu tương đối trên thị trường thế giới. Trong cả năm 2017, chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 170 điểm, tăng 9% so với năm 2016 nhưng thấp hơn 4,6% so với trung bình 5 năm liền trước (2012 – 2016). Năm 2017, giá thịt cừu tăng mạnh nhất, theo sau là thịt lợn, thịt gia cầm và thịt bò.
Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 184,4 điểm trong tháng 12, giarm19,8% (9,7%) so với tháng 11, là tháng giảm giá thứ 3 liên tiếp. Nguồn cung khả dụng xuất khẩu cao, nhu cầu yếu gây áp lực lên giá tất cả 4 sản phẩm sữa trên thị trường quốc tế được đưa vào giỏ tính toán của FAO. Sự bất ổn liên quan đến các biện pháp can thiệp dự trữ tại EU tiếp tục gây áp lực giảm giá lên thị trường sữa thế giới, đặt biệt là sữa bột gầy (SMP). Nhìn chung, chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 202,2 điểm trong năm 2017, tăng 31,5% so với năm 2016, với mức cao kỷ lục của giá bơ, theo sau là sữa bột nguyên kem (WMP) và phô mai, trong khi giá sữa bột gầy duy trì ổn định.
Chỉ số giá đường đạt trung bình 204 điểm trong tháng 12/2017, giảm 8,6 điểm (4,1%) so với tháng 11. Sau khi tăng mạnh vào tháng 11, giá đường thế giới quay đầu giảm trong tháng 12 do áp lực nguồn cung theo chu kỳ, nhu cầu yếu và dự báo thặng dư lớn trong năm 2018. Trong cả năm 2017, chỉ số giá đường của FAO đạt trung bình 227,3 điểm, giảm 11,2% so với năm 206 và thấp hơn tới 38% so với mức cao kỷ lục 369 điểm năm 2011. Giá đường giảm trong năm 2017 chủ yếu phản ánh sản xuất bội thu tại Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, cùng với phục hồi sản xuất tại Ấn Độ và Thái Lan.
Theo FAO (gappingworld.com)