Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cùng giải quyết khó khăn với các doanh nghiệp công nghệ cao
18 | 01 | 2018
Đó là khẳng định cũng như chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đối với các địa phương, ban ngành liên quan tại hội nghị “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong các HTX DVNN”.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị

Hội nghị do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBDN tỉnh Lào Cai tổ chức vào ngày 17/1 tại tỉnh Lào Cai.  

Hiệu quả rõ rệt

Báo cáo tại hội nghị, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến hết tháng 12/2017, toàn quốc có 11.668 HTX DVNN. Các đơn vị này chủ yếu hoạt động tổng hợp (chiếm 60%) với hơn 4,1 triệu thành viên.

Hiện nay cả nước có tổng số 193 HTX DVNN có ứng dụng CNC vào sản xuất. Trong đó, có 155 HTX trồng trọt, lâm nghiệp (chiếm 85,49%), 18 HTX chăn nuôi (chiếm 9,33%), 20 HTX thủy sản (5,18%). Lĩnh vực sản xuất phổ biến nhất của các HTX này là rau, trái cây, hoa, chăn nuôi gà, lợn và thủy sản.

"Sau khi ứng dụng CNC vào phát triển nông nghiệp, nhiều HTX đã cho thấy hiệu quả rất rõ rệt. Đơn cử như HTX nho Evergreen (Ninh Thuận) đã áp dụng kỹ thuật bao trái bằng túi ni lông trên diện tích 100ha; HTX Tân Nông Phát (Bình Dương) áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà lưới đã tiết kiệm được nguồn nước, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thu lãi gần tỷ đồng”, ông Trung thông tin.

Tại tỉnh Lào Cai, nhiều HTX cũng bắt đầu tham gia SX ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như dự án chăm sóc rau, hoa bằng hệ thống tưới nhỏ giọt của HTX Hoa Đào tại huyện Sa Pa.

Bà Đỗ Thị Liên, GĐ HTX Hoa Đào khẳng định, dù mới áp dụng hệ thống tưới, song hiệu quả kinh tế mang lại rất rõ rệt, không chỉ giảm được nhiều nhân công mà còn giúp tăng được năng suất lên nhiều lần so với trước đây.  

Chung tay giải quyết khó khăn

Bên cạnh những hiệu quả ban đầu, tình trạng chung của việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất là gặp nhiều khó khăn.

Ông Ma Quang Trung thừa nhận, hiện nay các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất của HTX còn nhỏ lẻ, phân tán và hiệu ứng nhân rộng chưa cao. Đặc biệt, việc liên kết chuyển giao CNC giữa các HTX và doanh nghiệp còn yếu. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho nông sản công nghệ cao còn mờ nhạt.

Có khoảng 2/3 tỉnh thành trong cả nước có các HTX ứng dụng CNC vào sản xuất. Nhiều vùng có nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất nhất như Tây Nguyên (57 HTX), đồng bằng sông Cửu Long (35 HTX), trung du miền núi phía Bắc (22 HTX).

Tại hội nghị này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đối với HTX, hiện nay Bộ NN-PTNT xác định có 3 vấn đề cần phải tập trung. Một là tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực quản trị của các HTX. Thứ hai là phải hướng dẫn HTX ứng dụng CNC để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm. Đồng thời, triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp. Từ đó tạo ra chuỗi sản xuất có giá trị cao lại giảm chi phí sản xuất.

Thứ trưởng Nam cũng khẳng định, việc các HTX ứng dụng CNC là hoàn toàn hợp lý. Quan niệm ứng dụng CNC là phải nhà kính, nhà lưới hiện đại hay công nghiệp hiện đại là chưa đúng.

"Hiện nay, mới chỉ có 193 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm tỷ lệ rất thấp, dưới 1%. Do vậy, Bộ NN-PTNT mong muốn, trong thời gian tới đẩy mạnh để nhiều HTX có thể ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng năng suất, giá trị của sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của xã hội và cũng là đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu", Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Mô hình nuôi cá nước lạnh tại Lào Cai

Chiều cùng ngày, tại Sa Pa, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng tổ chức hội nghị tổng kết năm 2017, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2018.

Trong năm qua, đơn vị này đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trong nhiều lĩnh vực như kinh tế hợp tác, giảm nghèo, an sinh xã hội hay quy hoạch bố trí dân cư, xây dựng, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, công tác thanh tra chuyên ngành, phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng được triển khai thực hiện bài bản, có hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết như bất cập về nhận thức cơ chế chính sách, sự yếu kém nột tại của các HTX. Trong công tác giảm nghèo, việc triển khai chương trình “Không còn nạn đói” tương đối chậm so với yêu cầu. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các dự án sắp xếp dân cư đặc biệt là các dự án sắp xếp dân cư cấp bách triển khai chậm dẫn đến các địa phương thiếu kinh phí để triển khai

Năm 2018, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020”. Với các mục tiêu: Giải thể 769 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động; duy trì củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của 3.600 HTX. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của 5.400 HTX hoạt động trung bình và yếu, thành lập mới 6.000 HTX.

Mới đây, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT xây dựng một đề án về HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua hội nghị này, cũng là một cơ hội để Bộ NN-PTNT lắng nghe, lấy ý kiến góp ý của các HTX, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để hoàn thiện đề án.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường