Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trò chuyện với giáo sư Nguyễn Lân Dũng về nông nghiệp và hội nhập
02 | 07 | 2007
Tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, đầu tư giống- vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện mối liên kết “bốn nhà” một cách hợp lý… Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đó chính là những việc cần làm để phát triển nông nghiệp- nông thôn hiện nay và để cải thiện đời sống của người nông dân

Là chuyên gia cao cấp của Trung tâm Công nghệ Sinh học (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ nhiệm Chương trình Tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào hộ nông dân; lại là một đại biểu Quốc hội, ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều với bà con nông dân và luôn dành mối quan tâm sâu sắc đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Xông đất Giáo sư Nguyễn Lân Dùng đầu năm Đinh Hợi, cuộc trò chuyện với phóng viên VOVNews vẫn xoay quanh chủ đề quen thuộc này.

 

Vào WTO, nhà nông được gì- mất gì?

* PV: Thưa Giáo sư, là một nhà khoa học luôn quan tâm tới bà con nông dân, giáo sư có suy nghĩ gì khi năm 2007 này, chúng ta vào Tổ chức thương mại thế giới; mà Nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất khi Việt Nam hội nhập WTO vì phải cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản? có phải cuộc sống của nông dân sẽ “khó khăn lại càng khó khăn” hơn không?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Có thể coi WTO đó là cái chợ lớn toàn cầu, đang chiếm tới 97% thương mại trên thế giới. Riêng thị trường nông sản thế giới hiện vào khoảng 548 tỷ USD/năm. WTO hướng tới một hệ thống chính sách minh bạch, một “luật chơi” thống nhất và bình đẳng, thúc đẩy tự do hóa thương mại. Đúng là Nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất nhưng không có nghĩa là “khó khăn lại càng khó khăn hơn”. Có người còn lo ngại đến mức sợ sau khi gia nhập WTO sẽ có chuyện “Biển tràn vào ao” (!). Tất nhiên gia nhập WTO là chấp nhận cả hai mặt Cơ hội và Thách thức. Vượt qua được thách thức và không bỏ lỡ cơ hội thì nông nghiệp nước ta có thể bứt phá lên rất mạnh mẽ. Không phải nước nào cũng nhanh chóng giàu lên sau khi vào WTO nhưng chưa có nước nào bị nghèo đi do vào WTO!

* PV: Vậy theo Giáo sư, đâu là cơ hội, đâu là thách thức?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Cơ hội, đó là chúng ta sẽ có một thị trường để xuất khẩu nông sản rộng lớn và không bị phân biệt đối xử. Nước ta là nước nhiệt đới với những ưu đãi rất lớn của thiên nhiên về khí hậu, về tính đa dạng sinh học; nên có những nông sản có năng lực cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều và một số hoa quả nhiệt đới như bưởi , xoài, nhãn, vải, nước dứa, nước dừa, nước cam, nước ổi, nước mơ, các loại nấm ăn.... Năm 2006 vừa qua chúng ta đã xuất được 717 000 tấn cao su (thu 1,5 tỷ USD), hồ tiêu xuất được 120 000 tấn ( thu 200 triệu USD), chè xuất được 95000 tấn (thu 100 triệu USD). Đặc biệt là việc xuất khẩu 4,7 triệu tấn gạo (thu 1,3 tỷ USD, đứng thứ nhì thế giới và góp 18% trong tổng giá trị xuất khẩu) và việc xuất khẩu 887 nghìn tấn cà phê đã giúp thu được tới 1tỷ USD . Lâm sản cũng góp phần mang về được 2,16 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản trong năm 2006 đạt mức kỷ lục từ trước tới nay: 7,2 tỷ USD.

Gia nhập WTO, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, thông thoáng hơn, ổn định hơn, minh bạch hơn. Nhờ đó, nông dân có nhiều khả năng tiếp cận được với những tiến bộ rất lớn lao về Công nghệ sinh học của các nước phát triển, từ đó có thể nâng cao nhanh chóng sản lượng và năng suất cây trồng, vật nuôi .

Toàn bộ đời sống kinh tế- xã hội sẽ được cuốn hút vào một quá trình cải cách để phù hợp với sự hội nhập quốc tế. Sự đổi mới đồng bộ về kinh tế sẽ tạo động lực cho việc nâng cao chất lượng phát triển của Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân. Bước đi của Trung Quốc về chuyển hóa “tam nông” sau khi gia nhập WTO là những kinh nghiệm rất đáng để chúng ta tham khảo. Đó là việc thông qua các phương thức như tăng cường sản xuất, mở rộng thu nhập của nông dân, tăng cường chi phí chuyển dịch tài chính đối với nông nghiệp, nâng cao trình độ dịch vụ công cộng cơ bản ở nông thôn, miễn học phí hết 9 năm học cho học sinh các tỉnh nghèo, từng bước thực hiện công nghiệp trợ giúp nông nghiệp và yêu cầu “thành thị ủng hộ nông thôn”. Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường đầu tư mạnh vào nông nghiệp về cơ sở hạ tầng, vốn, kỹ thuật, bãi bỏ thuế và giảm phí, tạo ra một nền kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, một số nông sản tăng vọt xuất khẩu, đe dọa cả việc xuất khẩu nông sản của Mỹ. Ngày nay Trung Quốc đã đứng hàng thứ 8 trên thế giới và đứng đầu Châu Á về xuất khẩu nông sản và chẳng mấy chốc sẽ biến thành “ nông trại của thế giới”…

Còn thách thức đối với chúng ta là gì?

Thách thức lớn nhất khi Nông nghiệp Việt Nam hội nhập WTO là khả năng cạnh tranh khốc liệt của các hàng nông sản trong nước với hàng ngoại nhập có chất lượng cao. Do thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nông dân sẽ phải mua giống, vật tư, tư liệu sản xuất nông nghiệp với giá cao và do đó làm tăng chi phí sản xuất. Các nước giàu tiếp tục duy trì trợ cấp và các rào cản đối với thị trường nông sản khiến ngành nông nghiệp khó có thể sử dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để đối phó. Chúng ta chắc chưa đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng như đường, ngô, sản phẩm sữa và thịt... (Chính phủ Mỹ hàng năm trợ cấp 10 tỷ USD cho các chủ trang trại trồng ngô và 3,6 tỷ USD cho các trang trại sản xuất gạo. Một con bò ở EU mỗi ngày được trợ cấp 2,62 USD). Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật (SPS) đòi hỏi sự hài hòa các tiêu chuẩn chặt chẽ trong nông nghiệp và thủy hải sản.

Ruộng của nông dân chúng ta nhỏ bé, manh mún
Nông dân canh tác trên những thửa ruộng nhỏ, manh mún

Hiện nay tỷ lệ nông dân và lao động nông nghiệp ở nước ta còn chiếm quá cao: 73,7% cư dân, chiếm 55% lực lượng lao động của cả nước, với 13,2 triệu hộ trong đó có 11 triệu hộ chuyên sản xuất nông nghiệp đang làm chủ 70 triệu thửa ruộng manh mún và nhỏ bé. Bình quân mỗi hộ nông dân hiện chỉ có 2,5 lao động và khoảng 0,7ha canh tác. Trong khi đó, chẳng hạn như ở Australia, bình quân đất canh tác là 200ha/hộ. Tại Mỹ, tỷ lệ nông- lâm- ngư nghiệp trong GDP chỉ chiếm có 1%, ở Nhật chỉ có 1,7%... Nông dân Mỹ chiếm không đến 2% dân số vậy mà làm ra 41% sản lượng ngô; 34,9% đậu tương và 13,1% lúa mỳ của toàn thế giới!. Vì ruộng vườn manh mún và nhỏ bé nên chúng ta khó có được một nền sản xuất hàng hóa vững chắc và ổn định. Lấy ví dụ trong lĩnh vực sản xuất trái cây, chúng ta có tới 750 000 ha trồng trái cây, trong khi đó Thái Lan chỉ có 260 000 ha. Trái cây Việt Nam vì có chất lượng không đồng đều, lại mới chỉ có 10-15% mang thương hiệu Việt Nam, cho nên mới có 10% bán được giá cao, 90% phải bán rẻ (dẫn đến phải mua của nông dân với giá thấp). Trong khí đó Thái Lan sản xuất trái cây ở quy mô trang trại với công nghệ tốt hơn và vì vậy bán ra được khắp thế giới, kể cả thị trường Việt Nam.

                       

Nghịch lý hạt gạo xuất khẩu Việt Nam

* PV: Giáo sư lý giải thế nào về chuyện Việt Nam chúng ta là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, nhưng lúa gạo ấy lại do nông dân sản xuất trên những thửa ruộng manh mún với nhiều giống lúa khác nhau? Phải chăng lẽ ra chúng ta có thể đạt năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn nếu chúng ta quy hoạch được đất canh tác lúa và giống lúa, chuẩn hóa được quy trình sản xuất lúa gạo? Việc này dễ hay khó, có thể sớm thực hiện được không?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Thật đáng lo ngại khi giá gạo xuất khẩu của ta là thấp nhất trong 6 nước xuất khẩu gạo (gạo Việt Nam- 218 USD/tấn, năm 2006 tăng lên được đến 259 USD/tấn; trong khi của Thái Lan là 278,33 USD, của Australia là 509,9USD). Các giống lúa của nước ta được mặt này thì hỏng mặt kia (cao sản thì dễ đổ, chất lượng gạo ngon thì lép nhiều và kháng bệnh kém...). Nông dân không mặn mà với giống mới vì phải mua với giá cao trong khi vẫn bán sản phẩm theo giá bình thường. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì thất thoát sau thu hoạch về lúa thường là 10-17%, có nơi tới 30%!. Vì thiếu sân phơi nên gạo phải sấy sau khi xát và dẫn đến gãy nát, xỉn màu. Chúng ta còn bị động trước thiên tai và dịch bệnh. Nếu Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Vụ trưởng, Viện trưởng luôn phải lo đi chống hạn, chống lụt, chống bão, chống cúm gia cầm, chống bọ rầy... thì còn tâm trí đâu và thì giờ đâu để lo tổ chức lại nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa?. Chúng ta biết rằng dịch rầy nâu chỉ có thể khắc phục triệt để bằng việc sử dụng các chế phẩm sinh học (gây bệnh cho rầy nâu bằng nấm BB hay nấm MA). Chúng ta đã nghiệm thu nhiều đề tài nghiên cứu về các chế phẩm này, nhưng khi mà cả nước chưa có nổi một cơ sở sản xuất lớn các chế phẩm sinh học, thì chỉ tốn tiền nhập thuốc trừ sâu hóa học, vừa rất độc hại lại vừa ít hiệu quả bền vững.

Không có con đường nào khác, ngoài con đường tích tụ ruộng đất thành các Trang trại hay các Hợp tác xã chuyên canh sản xuất gạo xuất khẩu với sự đầu tư cao về cơ sở hạ tầng và tiến bộ khoa học- công nghệ. Trong khi chưa thực hiện được việc tích tụ lớn ruộng đất thì ngay trong năm 2007 này vẫn phải phấn đấu gieo trồng lúa trên 7,2 triệu ha, đảm bảo an ninh lương thực và có được 4 triệu tấn gạo xuất khẩu.

 

Mô hình “hợp tác bốn nhà” thích đáng

* PV: Với nông dân hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng quả thật không đơn giản, như dự án hoa hồng ở Gia Lộc, Hải Dương bị phá sản là một ví dụ. Ông đánh giá như thế nào về nguyên nhân thất bại của việc “hợp tác bốn nhà” trong ví dụ cụ thể này?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi mới đi thăm các cánh đồng trồng hoa hồng ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc) và thấy quy trình trồng không khác gì ở Gia Lộc. Giống hoa cũng không thể nói là ưu việt hơn. Lại thiếu hẳn sự đầu tư của Nhà nước và các nhà doanh nghiệp nên khả năng xuất khẩu chưa cao. Vậy mà tuy bán với giá rất rẻ nhưng mỗi sào/mỗi năm đã cho thu nhập tới trên 5 triệu đồng. Nếu trồng lúa thì không vượt quá được 1 triệu đồng. Tôi rất tiếc cho các cánh đồng hoa hồng vốn rất đẹp ở Gia Lộc, lại có cả hợp đồng xuất khẩu sang Vân Nam, được sự chăm sóc một cách ưu ái của lãnh đạo tỉnh, huyện… vậy mà thất bại thảm hại. Nguyên nhân chính phải nói đến trận lụt quá lớn, mấy chục năm mới có một lần như vậy. Cũng còn có nguyên nhân về hợp đồng không thuận giữa nhà doanh nghiệp và nông dân. Không có bất kỳ lý do gì để kết luận trồng hoa xuất khẩu là kém hiệu quả. Nhưng đã thất bại trên diện rộng thì rất khó lấy lại niềm tin cho nông dân.

Kinh nghiệm sản xuất trên tinh thần “hợp tác bốn nhà” tại một vài cơ sở , nhất là các cơ sở có đầu tư của nước ngoài cho thấy: nhà doanh nghiệp phải có đủ vốn để thuê ruộng của nông dân dài hạn, nông dân vẫn tiếp tục lao động trên cánh đồng làng mình và nhận thù lao hàng ngày (mức chung dễ chấp nhận là 20.000 đồng/ngày công). Mọi kế hoạch trồng cây gì, nuôi con gì, chế biến ra sao, bảo quản ra sao, bán cho ai, bán giá nào, người nông dân không cần quan tâm. Đó là việc của nhà doanh nghiệp, được hay thua mình anh chịu. Nông dân có thu nhập cao hơn rõ rệt mà không phải rời xa quê hương là tốt rồi. Nhà nước đứng ra làm trọng tài và có thể cho nhà doanh nghiệp vay tín dụng nếu thấy có khả năng hoàn vốn và trả lãi ngân hàng đúng kỳ hạn. Đó là mô hình tích tụ ruộng đất dễ thực hiện nhất và cho hiệu quả nhanh nhất trong giai đoạn hiện nay. Các ông chủ trồng hoa hồng là nông dân ở Mê Linh cũng đang phát triển cây hoa hồng sang các xã khác theo mô hình thuê đất và thuê lao động.Tất nhiên sản xuất lớn thì phải nghĩ đến xuất khẩu thì mới mong có thu nhập cao và có sản lượng ổn định.

 

Phải tính toán rõ ràng, đưa ra những khuyến cáo cụ thể với nông dân

* PV: Với tư cách một đại biểu Quốc hội, xin Giáo sư cho ý kiến: điều gì cần nhất trong lúc này để hỗ trợ nông dân, khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và khoảng 50 vạn hộ nông dân không còn đất để canh tác ?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Chính sách nông nghiệp của ta trước đây là lo cho đủ ăn và cố gắng có dư thừa để xuất khẩu. Nay phải hướng sang giai đoạn phát triển có hiệu quả cao và bền vững. Bây giờ phải lo hướng dẫn nông dân tiếp cận được các thông tin về thị trường, đàm phán thương mại, kiểm tra chất lượng và đăng ký thương hiệu nông sản...

Kế hoạch phát triển nông nghiệp phải hướng tới ba lĩnh vực chủ yếu là: chuyển giao tiến bộ khoa học- công nghệ, nhất là các thành tựu về Công nghệ sinh học; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho kinh tế nông thôn; tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn. Các loại cây trồng, vật nuôi ưu tiên phải được lựa chọn theo nhu cầu thị trường chứ không dựa trên tiềm năng sẵn có. Phải áp dụng cơ chế chuyên hóa tại một số vùng miền để nâng cao năng suất chế biến và tiêu thụ. Chính phủ cần đầu tư tập trung cho các lĩnh vực sinh học phục vụ nông nghiệp, cần có chính sách rõ ràng trong việc sử dụng các cây trồng chuyển gen (GMC) đang được phát triển nhanh chóng trên thế giới, cần tăng cường nâng cấp cho dịch vụ thú y và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Phải chuyển thách thức thành cơ hội, làm cho người nghèo cũng tiếp cận được với cơ hội sau khi gia nhập WTO và được hưởng lợi từ các cơ hội này. Đã có hợp đồng đưa vải thiều Thanh Hà sang thị trường Châu Âu ngay trong mùa vải 2007. Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã quyết định sản xuất loại cà phê hảo hạng với hy vọng “ Chỉ cần chiếm 10% sản lượng cà phê xuất khẩu hiện nay cũng đủ tạo ra giá trị hàng tỷ USD”. Nhiều người nghèo nhờ có sáng kiến và chịu khó tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới mà đã có thu nhập cao. Có thể lấy ví dụ như các hộ nuôi nhím ở thị xã Sơn La, chỉ với chuồng trại 20 m2 mà vẫn có thể thu về trên 150 triệu đồng/năm…

Về từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đang có những chính sách và biện pháp cụ thể để giúp đỡ nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính phủ sẽ có thể trợ cấp cho Nông nghiệp khoảng 1,1 tỷ USD mỗi năm mà không trái với quy định của WTO (10% giá trị cả nền nông nghiệp). Ví dụ như lĩnh vực phát triển cây ăn trái. Chính phủ xây dựng chương trình xuất khẩu rau quả 10 năm (2001 - 2010) nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD rau quả vào năm 2010. Nhà nước hỗ trợ thay đổi giống cây ăn quả, lai tạo các giống tốt nhất trong nước và du nhập các giống tốt thích hợp với điều kiện khí hậu đất đai, tăng cường năng lực công nghệ sau thu hoạch, bảo vệ thực vật, xúc tiến thương mại và hỗ trợ tài chính qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ... Nhà nước chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế trang trại tạo vùng sản xuất trái cây tập trung ở các vùng đất mới như Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc.... Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong đó có Hợp tác xã chuyên ngành trái cây. Nhà nước hỗ trợ việc xúc tiến thương mại quốc gia các mặt hàng trọng điểm, trong đó có rau qua tươi và rau quả chế biến...

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Nông nghiệp 2006 Thủ tướng Nguyễn Tấn   Dũng đã khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành cho nông nghiệp- nông thôn sự ưu tiên hàng đầu. Nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng nếu không công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nông nghiệp- nông thôn là không thành công. Phải có những tính toán rõ ràng và đưa ra những khuyến cáo cụ thể với nông dân. Chẳng hạn như: Chúng ta có nên phát triển bò thịt hay không, phát triển ở mức độ nào? Những mặt hàng nào không cạnh tranh được thì chuyển hướng ra sao? Phải đưa ra được lộ trình chuyển hướng và công bố công khai những sản phẩm nào cạnh tranh được. Cần tính toán với Bộ Tài chính về việc giảm thủy lợi phí để hỗ trợ nông dân. Bộ phải đề xuất với Chính phủ cơ chế, chính sách để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Sản xuất lương thực là lợi thế của đất nước ta. Cần đưa nhanh giống mới và khoa học-công nghệ mới vào để tăng năng suất, chất lượng lương thực. Chính phủ không hạn chế việc các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu. Cần chủ động điều tiết thị trường, đừng để rớt giá, vì rớt giá còn thiệt hại hơn cả sâu bệnh.

Cần tiếp tục phát triển thêm 200.000 ha cao su theo quy hoạch. Có thể chuyển những diện tích rừng kém hiệu quả sang trồng cao su. Đẩy mạnh việc giao đất cho dân, cho doanh nghiệp để trồng rừng. Trong chăn nuôi phải chỉ đạo chăn nuôi an toàn, bền vững. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đề xuất các chính sách để phát triển các loại hình doanh nghiệp ở nông thôn.

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy Chính phủ rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn, góp phần sắp xếp lại lực lượng lao động và nâng cao đời sống cho nông dân...

PV: Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này.



(Theo VOV)
Báo cáo phân tích thị trường