Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp TACN Trung Quốc tăng tốc chuyển dịch sang thủy sản giá trị cao
12 | 04 | 2018
Thị trường TACN cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc đang dẫn dắt những thay đổi trong ngành thủy sản theo hướng thúc đẩy các nhà sản xuất rời khỏi phân khúc sản xuất các loài cá nước ngọt như cá rô phi và cá chép sang các loại có giá trị cao hơn.

Tháng 3/2018, hội nghị sản xuất cá trạng nguyên Trung Quốc khai mạc tại thành phố miền Nam Phật Sơn. Các hội thảo tương tự về cá vược, cá tra, tôm và cá đù vàng được tổ chức trên khắp Trung Quốc vào dịp mùa xuân. Các hôi thảo được các công ty sản xuất thức ăn thủy sản tổ chức với mục tiêu tạo ra nhu cầu và các thị trường mới cho các sản phẩm giá trị cao hơn như cá trạng nguyên, cá lóc, cá đù vàng và tôm.

Giá các loài cá trạng nguyên tại thị trường Trung Quốc vào khoảng 9,6 USD/kg trong tháng 4/2018, là loại thủy sản cao cấp hơn so với loài cá da trơn có giá bán chỉ 2,26 USD/kg trên cùng thị trường.

Các loại cá khác  đang được người tiêu dùng ưa chuộng có cá vược. Trung Quốc bắt đầu sản xuất cá vược từ năm 1983 tại tỉnh Quảng Đông và hiện có sản lượng 350.000 tấn trên toàn quốc – trong đó 200.000 tấn được sản xuất tại tỉnh Quảng Đông. Giá bán trung bình tại cổng trại trong tháng 3/2018 là xấp xỉ 4 USD/kg, gần gấp ba lần so với giá cá rô phi cổng trại.

Triển vọng của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản tại Trung Quốc vẫn tốt khi xét đến dư địa phát triển của nhiều loại thủy sản nuôi mới. Tăng lương đang tạo ra một làn sóng ăn uống mới và các chuỗi nhà hàng, dịch vụ đồ ăn trực tuyến đang đáp ứng nhu cầu cho những người thành thị trẻ đối với cá tra, làm ví dụ, ở phạm vi thị trường phổ thông và thúc đẩy nhu cầu đối với các loại các giá trị cao hơn như cá vược, cá đù vàng và cá trạng nguyên ở các thị trường trung cấp.

Các xu hướng ăn tiệm sẽ tiếp tục tích lũy động lực. Thu nhập của người Trung Quốc đang tăng và nền kinh tế này đang chuyển sang dựa vào động lực tiêu dùng, tập trung phần lớn tại thành thị. Thu nhập thành thị Trung Quốc tăng với tốc độ 13 – 17% trong giai đoạn 2004 – 2007, với lương trung bình tăng gấp đôi từ 200 USD/tháng năm 2007 lên 424 USD/tháng đối với công nhân vào năm 2016.

Đồng thời, đồng NDT đang tăng giá – từ mức 8,28 NDT/1USD năm 2000 lên 6,84 NDT/1 USD tháng 4/2018. Sức mua của nhà nhập khẩu lẫn người tiêu dùng Trung Quốc đều tăng lên. Và xét đến các căng thẳng thương mại đang gia tăng hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh, đồng NDT có thể sẽ tiếp tục tăng giá, do việc liên tục duy trì giá trị đồng tiền này ở mức thấp để làm lợi cho thương mại của Trung Quốc là một trong những vấn đề Mỹ liên tục lên tiếng.

Trong khi đó, VND giảm giá so với đồng NDT mạnh lên, khiến giá cá tra giảm xuống còn 8,4 NDT/kg (1,33 USD/kg), trước khi tăng lên 9,8 NDT/kg (1,55 USD/kg) trong thời gian gần đây do các nhà sản xuất Việt Nam tìm cách điều chỉnh biến động tỷ giá.

Một số nhà nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam tại Trung Quốc, bao gồm Shanghai Liang Pin Xing và Beijing Xin Liang, đã mở các văn phòng thu mua tại Việt Nam để thu mua nguồn cung cá tra. Loại cá này đang ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Trung Quốc do giá thấp, ít xương nên dễ sử dụng trong ngành bán lẻ tiện lợi và thức ăn nhanh đang bùng nổ trên khắp các đô thị Trung Quốc.

Do đó, một làn sóng thay thế các hồ nuôi cá rô phi bằng hồ nuôi cá tra đang diễn ra tại miền trung và nam Trung Quốc. Xu hướng này bắt đầu cùng với chương trình phát triển cá tra khởi đầu từ Học viện Thủy sản Hồ Bắc thuộc miền trung Trung Quốc, khi số lượng hồ nuôi cá tra tăng vọt tại các khu vực vốn là trung tâm sản xuất cá rô phi như Maoming tại tỉnh Quảng Đông và Wenchang tại tỉnh Hải Nam.

Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề cản trở tăng trưởng mạnh sản xuất cá tra tại Trung Quốc. Chi phí thuê hồ nuôi và chi phí lao động tại Việt Nam đều đang thấp hơn rất nhiều và các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các quy định môi trường nên sẽ làm giảm diện tích đất dành cho nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, chi phí cá giống, thức ăn và các chi phí hoạt động khác khiến việc mở cơ sở nuôi trồng thủy sản tại Trung Quốc không dễ dàng.

Thay vì tăng sản xuất nội địa, doanh nghiệp Trung Quốc chắc chắn sẽ tận dụng nguồn cung từ nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam. Thương nhân Trung Quốc có xu hướng tìm kiếm các thỏa thuận mang lại cho họ lợi thế tiếp cận ngành tốt hơn, đổi lại họ sẽ mua khối lượng lớn từ các nhà sản xuất Việt Nam.

Ở cấp độ vĩ mô, Trung Quốc đang chuyển dịch khỏi các loại thủy sản giá trị thấp, có thể nhập khẩu dễ dàng từ các nước láng giềng như Việt Nam. Thực tế, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Trung Quốc có thể không ủng hộ thực tế này và họ đang chuyển sang cạnh tranh giành thị phần tại Việt Nam và các nước khác như Indonesia.

Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách đưa nước này khỏi nền sản xuất giá rẻ, ô nhiễm sang hoạt động sản xuất giá trị cao hơn nên ngành nuôi trồng thủy sản của nước này cũng đi theo đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi sản xuất cá rô phi của nước này rất lớn. Xu hướng này sẽ đòi hỏi một thời gian để hiện thực hóa nhưng đang bắt đầu tạo nên tác động trong thập kỷ tới, với sự ảnh hưởng rõ nét từ những nhà nhập khẩu phương Tây vốn thường tới Trung Quốc để tìm nguồn cá thịt trắng giá rẻ.

Theo Seafood Source (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường