Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp để xuất khẩu rau quả tiếp tục cất cánh
01 | 06 | 2018
Qua 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ (2013 - 2018), có thể nói rau quả là ngành hàng không chỉ tạo dấu ấn đậm nét về sự bứt phá trong XK, mà dư địa, tiềm năng lợi thế XK đối với mặt hàng này còn vô cùng lớn trong thời gian tới.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade) về triển vọng, giải pháp để XK mặt hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng một cách bền vững.

Bộ NN-PTNT đang đặt mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch XK rau quả từ 3,5 tỉ USD năm 2017 lên 3,9 tỉ USD năm 2018. Để đạt được mục tiêu này, đâu sẽ là công tác hành động trọng tâm đẩy mạnh thị trường XK trong thời gian tới, thưa ông?

Trong chỉ tiêu kim ngạch XK 3,9 tỉ USD năm 2018, mặt hàng trái cây đặt mục tiêu 3,3 tỉ USD và mặt hàng rau củ các loại khoảng 433 triệu USD. Đến thời điểm này, mặc dù chưa bước vào mùa vụ chính của nhiều loại cây ăn quả trên cả nước, tuy nhiên kim ngạch XK mặt hàng rau quả hiện đã đạt khoảng 1,65 tỉ USD. Đây là con số có thể kỳ vọng mục tiêu 3,9 tỉ USD kim ngạch XK trong cả năm 2018 là hoàn toàn có thể đạt được.

Về các nhóm giải pháp, tôi cho rằng điều kiện tiên quyết để tiếp tục đưa ngành hàng rau quả đi lên một cách bền vững, đó vẫn phải là khâu tổ chức SX, nhất là SX theo nhu cầu và bám sát được vào các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, ATTP của các thị trường XK. Chỉ khi có sản phẩm tốt, đạt yêu cầu của các nhà NK, chúng ta mới có thể đẩy mạnh được XK.

Chỉ khi có sản phẩm tốt, đạt yêu cầu của các nhà NK, chúng ta mới có thể đẩy mạnh được XK

Đối với công tác tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM) và phát triển thị trường, đây là một trong những công tác trọng tâm trong năm 2018 mà Bộ NN-PTNT cũng như Agrotrade tập trung quyết liệt. Từ đầu năm 2018 đến nay, các đoàn công tác cấp cao của Bộ NN-PTNT đều gắn liền với công tác XTTM cho hàng nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau quả. Gần đây nhất là đoàn công tác của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc tại Nhật Bản. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã đề nghị phía bạn sớm chấp thuận cho phép NK quả vải vào thị trường Nhật. Hiện nay, Cục BVTV đang tích cực thực thi các nhiệm vụ về kỹ thuật để làm sao cố gắng trong tháng 6/2018, quả vải thiều Việt Nam có thể XK được sang Nhật. Đây là một tin rất tốt cho trái vải Việt Nam, bởi đến nay, loại quả này đã được khẳng định chỗ đứng tại nhiều thị trường khó tính. Và thị trường Nhật sẽ là một cú hích rất lớn bởi đây là thị trường hết sức khắt khe.

Chúng ta cũng đang tiến hành đàm phán để cho phép XK quả xoài sang thị trường Mỹ. Hiện các quy trình về mặt kỹ thuật được khẩn trương tiến hành, nhiều khả năng tới quý III hoặc muộn hơn là quý IV năm 2018, xoài Việt Nam sẽ chính thức XK sang thị trường Mỹ.

Bên cạnh việc tăng cường đàm phán, tháo gỡ và mở cửa thị trường, sẽ song song phối hợp với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để đảm bảo duy trì được sự hiện diện của các mặt hàng rau quả Việt Nam tại các hệ thống phân phối ở các thị trường đã được mở cửa, mở rộng thêm thị phần. Trong đó, một số sản phẩm vừa thâm nhập được vào thị trường mới gần đây như chanh leo XK sang Pháp, vú sữa XK sang Mỹ sẽ phải quyết tâm có các giải pháp cụ thể để các nhà NK tiếp tục duy trì tần suất NK.

Tăng trưởng XK rau quả liên tục bứt phá

Ngoài ra, vừa qua Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm về SX rau quả và các địa phương có đường biên giới đã thống nhất các chủ trương và giải pháp cụ thể nhằm tổ chức, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động XK rau quả sang các thị trường lân cận. Đồng thời tiếp tục quản lí chặt chẽ hệ thống thương lái, tổ chức mạng lưới chợ, kiểm soát tình hình thu mua tại các địa phương... Bên cạnh đó từ nay đến cuối năm, sẽ phối hợp với ngành Công thương và địa phương giải quyết rốt ráo cho được tình trạng dư thừa cục bộ đối với một số mặt hàng rau quả trong nước. Công tác tuyên truyền cũng sẽ được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc cần thiết phải gắn bó chặt chẽ với DN bằng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có kế hoạch chủ động tổ chức SX và tiêu thụ ngay từ đầu vụ chứ không SX theo kiểu được chăng hay chớ...

Trong cơ cấu kim ngạch XK mặt hàng rau quả, thị trường Trung Quốc đến nay vẫn áp đảo với trên 74%. Nhiều ý kiến lo ngại việc XK rau quả Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng rủi ro “bỏ trứng một giỏ”, nhất là gần đây nước này cũng đang ngày càng thắt chặt về quản lí, truy xuất nguồn gốc rau quả từ Việt Nam... Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường NK rau quả áp đảo của Việt Nam bởi đây là bạn hàng truyền thống, có lợi thế nhất cả về nhu cầu tiêu thụ và vị trí địa lí gần kề, đồng thời tập quán, thị hiếu tiêu dùng đối với các mặt hàng nông sản nói chung, trong đó có rau quả khá tương đồng với chúng ta.

Về dài hạn, yêu cầu về chất lượng hàng hóa ở thị trường này cũng sẽ ngày càng nâng lên. Điều này là xu hướng chung của tất cả các thị trường trên thế giới hiện nay, chứ không chỉ riêng thị trường Trung Quốc. Ngay bản thân Việt Nam hiện cũng đang từng bước nâng cao về tiêu chuẩn đối với các mặt hàng nông sản NK. Vì vậy, đây là một đòi hỏi chính đáng từ nhu cầu của thị trường. Trong bối cảnh chúng ta đang ngày càng hội nhập sâu về nông nghiệp, đặc biệt đối với mặt hàng rau quả thì cần xác định rõ đây vừa là yêu cầu của cả nước NK, và đồng thời cũng là cơ hội để nâng cao năng lực cho SX trong nước.

Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường XK rau quả có lợi thế nhất của Việt Nam

Với lo ngại việc mất cân bằng về thị trường XK, phải nói rằng đối với các thị trường bậc cao, ngặt nghèo hơn về yêu cầu chất lượng, việc đàm phán mở cửa và duy trì một sản phẩm tới tay người tiêu dùng ở nước họ là cả một quá trình rất lâu dài. Chẳng hạn để mở cửa và đưa được một loại trái cây XK vào New Zealand, chúng ta phải mất tới 9 - 10 năm đàm phán, còn để người tiêu dùng của họ tiếp cận được sản phẩm và mở rộng được thị phần ở đây thì còn là chuyện hết sức lâu dài.

Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta vẫn phải xác định thị trường Trung Quốc là thị trường truyền thống, có lợi thế của ta về XK mặt hàng rau quả trong thời gian tới. Tuy nhiên chủ trương chung là phát triển song song, đa dạng hóa giữa các thị trường, ở các phân khúc khác nhau trên thế giới. Đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta cũng phải từng bước tự nâng cao năng lực SX để đáp ứng các yêu cầu của bạn đặt ra trong thời gian tới.

Từ nay đến cuối năm, sẽ là thời vụ XK chính của nhiều loại trái cây chủ lực, đặc biệt là vụ vải, nhãn ở phía Bắc, trong đó thị trường Trung Quốc rõ ràng sẽ có sức chi phối rất lớn tới kim ngạch XK trái cây của chúng ta. Những giải pháp nào để tổ chức XK một cách tốt nhất sang thị trường này thưa ông?

Đối với mùa tiêu thụ vải - nhãn ở phía Bắc, ngoài việc tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường (Quảng Tây) từ ngày 29/5 - 1/6, ngày 8/6, sẽ diễn ra hội nghị xúc tiến tiêu thụ tại TP Bắc Giang với sự tham gia của nhiều DN thu mua đến từ Trung Quốc... Các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, mỗi tỉnh cũng sẽ dự kiến có 4 - 5 hoạt động XTTM để tiêu thụ vải, nhãn, nhất là phục vụ XK sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh việc XK sang thị trường Trung Quốc, Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Agrotrade phối hợp chặt chẽ với các NM chế biến tăng cường thu mua vải, nhãn tươi để chế biến sâu thành nước ép, cùi đông lạnh... Một số DN chế biến như Cty Nafood, Cty Đồng Giao... đã cam kết bước đầu sẽ thu mua chế biến sâu từ 5.000 - 7.000 tấn vải/Cty. Đầu tháng 6/2018, Cty Đồng Giao cũng sẽ khánh thành NM chế biến quả vải ngay tại huyện Lục Ngạn. Điều này sẽ góp phần giảm tải cho khâu tiêu thụ. Tóm lại, để giảm tải cho vụ vải năm nay, sẽ phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cả tăng cường chế biến sâu, cả XK quả tươi, cả tăng cường nội địa, đồng thời với tăng cường công nghệ sơ chế, bảo quản nhằm kéo dài thời gian lưu thông, tạo điều kiện đẩy mạnh XK...

Xin cảm ơn ông!

Với sản lượng trái cây của cả nước khoảng 16,5 triệu tấn/năm, rau các loại khoảng 8,5 triệu tấn/năm, hiện cả nước có khoảng 144 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp (gồm cả cơ sở sơ chế, bảo quản).

Riêng năm 2018, đã có hàng loạt NM chế biến sâu vào lĩnh vực rau quả, với tổng mức đầu tư lên tới trên 3.700 tỉ đồng. Đây là làn gió mới tạo cú hích rất mạnh cho ngành rau quả trong thời gian tới.

Tuy nhiên đối với hoạt động XK sản phẩm rau quả tươi, đúng là khâu sơ chế, bảo quản, đóng gói đối với nhiều mặt hàng rau quả, nhất là trái cây ngay tại các vùng nguyên liệu, các HTX hiện nay còn rất thiếu và yếu. Đây đang là nút thắt lớn nhất mà Bộ NN-PTNT đang tập trung mạnh nhất để tháo gỡ. Trong lĩnh vực rau quả, năm 2018, Bộ NN-PTNT cũng đã xác định trọng tâm hành động chính là chế biến và bảo quản.

Hiện nay ở phía Bắc, một số đơn vị khoa học của Bộ NN-PTNT cũng đang hoàn thiện và khởi động các quy trình bảo quản một số loại trái cây khó bảo quản như vải thiều (có thể kéo dài 30 - 35 ngày) hoặc chanh leo (lên tới 60 ngày)... Tuy nhiên nhìn chung, số lượng các nghiên cứu đi vào ứng dụng còn rất ít, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, đây cũng sẽ là vấn đề mà các đơn vị nghiên cứu, các bộ ngành (nhất là Bộ KH-CN) cần quan tâm đầu tư...

(Ông Nguyễn Quốc Toản)

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường