Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
USDA: Tồn kho cà phê cuối kỳ niên vụ 2018/19 dự báo tăng
18 | 06 | 2018
Theo báo cáo giữa tháng 6/2018, USDA dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2018/19 tăng 11,4 triệu bao so với niên vụ trước, lên mức cao kỷ lục 171,2 triệu bao do sản lượng cà phê Brazil đạt mức cao kỷ lục. USDA dự báo tiêu dùng cà phê toàn cầu cũng đạt mức cao kỷ lục 163,2 triệu bao, xuất khẩu cà phê thế giới dự báo tăng do nhu cầu tăng. Tồn kho cà phê cuối kỳ niên vụ 2018/19 trên toàn cầu quay đầu tăng sau 3 năm suy giảm liên tiếp.

Niên vụ 2018/19, sản lượng cà phê Arabica của Brazil dự báo tăng vọt 6 triệu bao so với niên vụ trước, lên 44,5 triệu bao, với 80% sản lượng đến từ các khu vực có năng suất cà phê biến động theo chu kỳ 1 năm được mùa – 1 năm mất mùa. Ngoài ra, các diện tích cà phê tại phần lớn các khu vực sản xuất đều có thời tiết thuận lợi trong giai đoạn ra hoa, đậu quả, và sinh trưởng quả. Mặc dù Parana và đông nam Minas Gerais đang trong chu kỳ năm mất mùa, mức giảm sản lượng được dự báo ít nghiêm trọng hơn mức trung bình. Hoạt động thu hoạch rộ cà phê Arabica bắt đầu từ tháng 5 – 6. Nhiệt độ thuận lợi và mưa nhiều dự báo sẽ giúp tăng năng suất tại 3 bang sản xuất cà phê Robusta chính của Brazil là Espirito Santo, Rondonia, và Bahia. Ngoài ra, mở rộng diện tích trồng các giống vô tính và cải thiện quản lý mùa màng cũng được cho là yếu tố tích cực tác động lên tăng sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2018/19. Phần lớn hoạt động thu hoạch cà phê Robusta bắt đầu từ tháng 4 – 5. Tổng mức tăng sản lượng cà phê Arabica và Robusta của Brazil lên tới 9,3 triệu bao, đạt mức tổng sản lượng cao kỷ lục 60,2 triệu bao. Nguồn cung cà phê Arabica và Robusta đều tăng sẽ đẩy xuất khẩu tăng mạnh, đáp ứng tiêu dùng đang tăng trưởng tốt, và phần còn lại sẽ giúp tồn kho cuối kỳ tăng.

USDA dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 600.000 bao lên mức cao kỷ lục 29,9 triệu bao nhờ thời tiết mát mẻ hơn và mưa trái mùa hỗ trợ sinh trưởng cây cà phê chỉ ngay trước giai đoạn ra hoa kết quả. Năm 2017, sản lượng tăng giúp bù đắp giá thấp, giúp nông dân có đủ nguồn tài chính trang trải cho đầu vào sản xuất năm 2018 và tăng năng suất. Diện tích cà phê của Việt Nam năm 2018 dự báo tăng nhẹ so với năm 2017, với gần 95% diện tích vẫn dành cho cà phê Robusta. Xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và tồn kho cuối kỳ của cà phê Việt Nam dự báo tăng nhờ nguồn cung tăng.

Tổng nguồn cung cà phê tại Trung Mỹ và Mexico được USDA dự báo duy trì ở mức 20,3 triệu bao, mặc dù một số nước trong khu vực tiếp tục gặp khó khăn trong đối phó với bệnh gỉ sắt, từng làm sản lượng giảm mạnh hồi 6 năm trước. Sản xuất đã phục hồi tại Guatemala, Honduras, Mexico, và Panama trong vài năm qua nhưng vẫn khá u ám tại Costa Rica, El Salvador và Nicaragua do các tác động của bệnh gỉ sắt. Xuất khẩu cà phê của khu vực này dự báo giảm 200.000 bao xuống 16,7 triệu bao. Hơn 45% xuất khẩu cà phê của khu vực này dành cho thị trường châu Âu, khoảng hơn 30% dành cho thị trường Mỹ.

Sản lượng cà phê Colombia dự báo đi ngang ở mức 14,5 triệu bao trong niên vụ 2018/19 mặc dù sản lượng này vẫn cao nhờ điều kiện sản xuất thuận lợi. Trong thập kỷ qua, năng suất cà phê Colombia đã tăng khoảng 30% do chương trình tái canh thành công, các vườn cây năng suất thấp hơn được thay thế bằng các giống cà phê kháng bệnh gỉ sắt. Chương trình tái canh này đã làm giảm năng suất cà phê Colombia từ 15 – 7 năm trước nhưng sau đó năng suất tăng trở lại. Xuất khẩu cà phê Colombia chủ yếu sang các thị trường Mỹ và EU, dự báo tăng 500.000 bao lên 12,5 triệu bao, tồn kho cuối kỳ giảm.

Sản xuất cà phê Indonesia dự báo tăng 500.000 bao lên 11,1 triệu bao trong niên vụ 2018/19. Sản lượng cà phê Robusta dự báo đạt 9,7 triệu bao nhờ điều kiện sản xuất thuận lợi tại các vùng đất thấp Southern Sumatra and Java – các khu vực chiếm xấp xỉ 75% tổng sản lượng cà phê Robusta. SẢn lượng cà phê Arabica cũng được dự báo tăng nhẹ lên 1,4 triệu bao. Năng suất tăng tại các vùng trồng Arabica chính ở miền bắc Sumatra dự báo sẽ bù đắp được năng suất giảm tại một số khu vực gặp mưa nhiều và giá mạnh trong giai đoạn kết quả. SẢn lượng tăng dự báo sẽ giúp xuất khẩu cà phê Indonesia tăng 300.000 bao lên 7,2 triệu bao.

Nhập khẩu cà phê của EU dự báo tăng 1 triệu bao lên 48 triệu bao và chiếm hơn 40% tổng nhập khẩu cà phê thế giới. Các nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường này bao gồm Brazil (29%), Việt Nam (24%), Honduras (7%) và Colombia (7%). Tồn kho cà phê cuối kỳ tại EU dự báo tăng 800.000 bao lên 11,9 triệu bao.

Nhập khẩu cà phê của Mỹ dự báo tăng vọt 2,4 triệu bao lên 27 triệu bao trong niên vụ 2018/19. Mỹ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, với các nhà cung cấp chính là Brazil (23%), Colombia (22%), Việt Nam (15%), và Honduras (6%). Tồn kho cà phê cuối kỳ tại Mỹ dự báo tăng 600.000 bao lên 7,2 triệu bao.

Các điều chỉnh dự báo lớn của USDA cho niên vụ 2017/18

Sản lượng cà phê thế giới được điều chỉnh giảm 100.000 bao so với báo cáo tháng 12/2017 xuống 159,8 triệu bao.

  • Sản lượng cà phê Việt Nam được điều chỉnh giảm 600.000 bao xuống 29,3 triệu bao do thất thoát trong thu hoạch vì mưa muộn.
  • Sản lượng cà phê của Peru được điều chỉnh tăng 575.000 bao lên 4,4 triệu bao do thiệt hại gây ra bởi bệnh gỉ sắt thấp hơn dự báo.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu niên vụ 2017/18 được điều chỉnh tăng 800.000 bao lên 111,2 triệu bao.

  • Xuất khẩu cà phê của Ethiopia được điều chỉnh tăng 600.000 bao lên 4 triệu bao do nguồn cung khả dụng xuất khẩu tăng.
  • Xuất khẩu cà phê của Peru được điều chỉnh tăng 575.000 bao lên 4,2 triệu bao do nguồn cung tăng.

Tồn kho cà phê cuối kì niên vụ 2017/18 trên thế giới được điều chỉnh tăng 100.000 bao lên 29,4 triệu bao.

  • Tồn kho cà phê cuối kì tại EU được điều chỉnh tăng 600.000 bao lên 11,1 triệu bao.
  • Tồn kho cà phê cuối kì tại Indonesia lên 835.000 bao do nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm.
  • Tồn kho cà phê cuối kì tại Ấn Độ được điều chỉnh giảm 900.000 bao xuống 1,2 triệu bao do sản lượng giảm và xuất khẩu tăng.
  • Tồn kho cà phê cuối kì tại Brazil được điều chỉnh giảm 300.000 bao xuống 2,3 triệu bao do sản xuất giảm và tiêu dùng tăng.

Theo USDA (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường