Các thương lái tìm nguồn sầu riêng từ nông dân thường là người Thái nhưng một số thương nhân Trung Quốc chỉ dùng các thươn gnhân Thái này làm bình phong nhằm kiểm soát các hoạt động thu mua cũng như thiết lập mức giá và thời gian thu hoạch, theo ông Thongchai Kunnam, một nhà xuất khẩu 58 tuổi tại tỉnh Chanthaburi cho hay.
Khoảng 70% sản lượng sầu riêng Thái Lan dùng để phục vụ thị trường xuất khẩu, với Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Thái Lan hiện có khoảng 50.000 hộ gia đình trồng sầu riêng, với sản lượng sầu riêng năm 2016 đạt 302.000 tấn. Các thương nhân Trung Quốc đóng một vai trò rất lớn trong hoạt động kinh doanh sầu riêng, với ngoại lệ trong đàm phán mua với nông dân – vốn là lãnh địa của các thương nhân Thái. “Tôi không biết liệu các thương nhân Trung Quốc có thể cấu kết để giảm giá mua từ nông dân hay không nhưng chính phủ nên có quy định để ngăn chặn tình trạng này”, ông Thongchai khuyến nghị. Đồng thời ông cho rằng nông dân trồng sầu riêng sẽ không thể tồn tại nếu thiếu đầu ra tại Trung Quốc.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết trong tháng 4/2018, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan đạt 120.000 tấn, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 56.000 tấn, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2018, Thái Lan đã xuất khẩu 150.000 tấn sầu riêng, tăng mạnh 159% so với cùng kỳ năm 2017. Khoảng 80.000 trái sầu riêng Monthong đã được bán sạch chỉ trong vòng 1 phút sau khi trang thương mại điện tử Tmall của Alibaba mở bán vào tháng 4, cho thấy nhu cầu cao đối với loại trái cây này.
Trong 5 – 6 năm qua, giá sầu riêng tăng ổn định, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Ông Thongchai cho biết số xe hơi mới là chỉ báo rõ ràng cho thấy thu nhập của nông dân trồng sầu riêng tăng. Để đối trọng với quyền lực của thương nhân Trung Quốc, ông Thongchai cho rằng nông dân trồng sầu riêng phải liên kết để lập quỹ dự phòng khi giá giảm. Nếu giá sầu riêng giữ ở mức 80 Baht/kg, một phần doanh thu vượt mốc này nên được đưa vào quỹ, để nông dân có thể giữ thu nhập ổn định ngay cả khi giá giảm. Ông Thongchai cho rằng vấn đề của nhu cầu tăng vọt trong năm 2018 sẽ giảm, đồng thời nhấn mạnh các thương nhân trái cây phải kiểm soát chất lượng, đảm bảo trái cây vừa chín tới khi vận chuyển đến Trung Quốc. Dán nhãn thông tin về các vườn sầu riêng lên trái là một cách khách để giúp quản lý chất lượng do các nhà vườn sẽ tìm cách bảo vệ uy tín của họ.
Apirom Sukprasert, chủ tịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp (BAAC), cho rằng việc kêu gọi nông dân trồng sầu riêng hợp tác để làm đối trọng với ảnh hưởng của các thương nhân Trung Quốc sẽ không có kết quả bởi áp lực thời gian thu hoạch buộc họ phải cạnh tranh lẫn nhau. Ông cho biết lấy giá nhãn làm ví dụ, ban đầu tăng khi thương nhân Trung Quốc trực tiếp thu mua từ nông dân, nhưng sau đó giảm khi các thương nhân này đạt được vị thế chi phối thị trường. Ngân hàng này đã nỗ lực hỗ trợ các HTX đóng vai trò giảm quyền lực của thương nhân Trung Quốc.
Ông Ratanachote Tantiratamapaisal, chủ sở hữu RTC Golden Place Co Ltd, một nhà sản xuất sầu riêng sấy không – đông lạnh, cho biết chế biến sẽ giúp tăng giá trị. Nhà máy của ông sản xuất 31 – 32 tấn các sản phẩm từ sầu riêng hàng năm. Chế biến có thể giúp gia tăng giá trị và giúp đẩy giá bán, đặc biệt là với các nhà sản xuất quy mô nhỏ. RTC Golden đã nhận khoản vay 20 triệu Baht từ BAAC để xây dựng các nhà máy bảo quản lạnh cho sầu riêng tươi, đặc biệt là khi giá thấp. Nhưng hiện không có nhà máy nào như vậy được cấp phép tại các khu vực trồng cây ăn quả tại Chanthaburi, nơi quy định một phòng bảo quản lạnh công suất 50 sức ngựa được phân loại vào dạng nhà máy và cần phải có giấy phép hoạt động từ cơ quan quản lý các hoạt động công nghiệp.
Waivat Phongsuk, một chủ vườn trái cây và tổ chức tour du lịch nông nghiệp tại tỉnh Rayong, cho biết ông quyết định bỏ qua các thương nhân trái cây để bán trực tiếp trái cây cho những người tiêu dùng cuối cùng và đại lý với tỷ lệ 50:50. Ông cho biết các kênh bán lẻ trực tuyến giúp ông tiếp cận trực tiếp với khách hàng.
Logistíc là vấn đề lớn nhất đối với những người bán sầu riêng trực tuyến, nhưng chi phí của ọ có thể gấp đôi do chất lượng hàng hóa cao và người bán chấp nhận người mua đổi hoặc hoàn tiền nếu người mua không hài lòng về chất lượng. Ông Waivat cho biết số đơn hàng trả lại chỉ chiếm 10% tổng số đơn hàng, với vấn đề lứn nhất là người mua thường bổ sầu riêng quá sớm thay vì đợi 3 – 5 ngày cho sầu riêng chín hẳn. Thailand Post hiện chấp nhận vận chuyển sầu riêng nhưng thường để lẫn lộn với các hàng hóa khác nên khiến sầu riêng dễ bị ảnh hưởng chất lượng. Ông Waivat cho biết NIM Express vận chuyển với chính sách phí 100 – 150 Baht/thùng đựng 2 – 3 trái sầu riêng, tách ra khỏi các hàng hóa khác.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)