Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thái Lan tìm cách tăng cường xuất khẩu giữa cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
23 | 07 | 2018
Thái Lan kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 sẽ mạnh hơn dự báo và vượt xa mốc cao kỷ lục đạt được trong năm 2017 nhờ những hiệu ứng phụ từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc.

Chính phủ Thái Lan dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 đạt 8%. Năm 2017, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao đã giúp xuất khẩu của Thái Lan ghi nhận con số ky rlục 236 tỷ USD. Thái Lan hiện kỳ vọng vào con số tăng trưởng xuấtkhẩu cao hơn, khi những căng thẳng thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra cơ hội tăng thị phần cho thực phẩm Thái Lan tại các siêu thị ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc. “Chúng tôi dự báo xuất khẩu thủy sản tăng sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Thái Lan năm 2018 vượt 8% và thậm chí tăng trưởng 2 con số trong năm 2018”, theo Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong phát biểu trước báo giới.

Ông Sontirat cho biết chính phủ Thái Lan sắp nâng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2018. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ mục tiêu mới, cho biết chính phủ Thái Lan sẽ cần vài tháng để đánh giá tình hình thị trường. Sau khi thảo luận với Phòng Thương mại Thái Lan và các tổ chức thương mại, kinh doanh khác, ông Sontirat cho rằng vòng đấu chính sách thuế mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc vào tháng 8 tới có thể sẽ là cú hích mạnh cho xuất khẩu thực phẩm Thái Lan, đặc biệt là ngành thủy sản.

Chính quyền của ông Trump vừa tiết lộ danh sách hơn 6.000 hàng hóa từ Trung Quốc, trị giá khoảng 200 tỷ USD là đối tượng áp thuế 10% từ cuối tháng 8 tới. Danh sách này gồm 6.031 dòng sản phẩm, bao gồm cá chép sống, thịt lợn đông lạnh, cá hồi Thái Bình Dương, cá ngừ vây vàng, thịt cua, tôm hùm, cà rốt, cần tây, camera tivi, camera kỹ thuật số, các bộ phận tivi, tủ lạnh và các thiết bị truyền thông mặt đất. Trung Quốc được cho là sẽ trả đũa với mức độ tương đương.

Các động thái trả đũa từ cả hai phía sẽ làm giảm mạnh xuất khẩu thủy sản từ Trung Quốc sang Mỹ và ngược lại. Chính phủ Thái Lan và các nhà xuất khẩu của nước này nhận thấy đây là cơ hội để giành lấy những khoảng trống về nguồn cung thủy sản cho cả hai nước. Thái Lan là nước xuất khẩu thực phẩm lớn thứ 5 thế giới, với ngành chế biến thực phẩm phát triển. “Những gì chúng tôi tháy a hiện nay là thực phẩm chế biến và thực phẩm đông lạnh sẽ trở nên đắt đỏ hơn ở cả Trung Quốc và Mỹ”, theo Poj Aramwattananont, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan nhận định. “Đây là một cơ hội cho Thái Lan thâm nhập vào cả hai thị trường với mức giá cạnh tranh nhờ hưởng các chính sách thuế nhập khẩu thấp hơn”.

Năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Thái Lan đạt 15,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thực phẩm lên 27 tỷ USD và chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu chiếm hơn 60% GDP của Thái Lan.

Một ngành xuất khẩu thực phẩm khác của Thái Lan được dự báo hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung là cá ngừ chế biến, vốn nằm trong chính sách trả đũa thuế của hai nước. Thái Lan là nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu cá ngừ chế biến đạt 2,3 tỷ USD trong năm 2017. Ngành chế biến cá ngừ của nước này cũng cho rằng hiện là cơ hội tăng vị thế khi nguồn cung cá ngừ tại Mỹ và Trung Quốc đều đang giảm. Theo ông Chanintr Chalisarapong, chủ tịch Hiệp hội Chế biến Cá ngừ Thái Lan, “Nếu căng thẳng thương mại kéo dài, các nhà chế biến xuất khẩu thủy sản sẽ nhận được cú hích sang cả hai thị trường để chuyển các cơ sở sản xuất sang Thái Lan, qua đó có thể xuất khẩu từ Thái Lan và hưởng mức thuế rẻ hơn. Diễn biến này sẽ thúc đẩy gián tiếp xuất khẩu thực phẩm Thái Lan”.

Theo Nikkei Asia



Báo cáo phân tích thị trường