Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường gỗ và sản phẩm gỗ tháng 7/2018
03 | 08 | 2018
Bản tin phân tích thị trường gỗ và sản phẩm gỗ tháng 7/2018

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 7 năm 2018 đạt 642 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sang các thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đạt 1,69 tỷ USD (tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017); 564,2 triệu USD (tăng 2,7%); 527 triệu USD (tăng 4,7%); 452,7 triệu USD (tăng 50,5%). Hiện nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang các thị trường truyền thống vẫn có những tín hiệu tốt và ổn định, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký các đơn hàng cho năm nay.

Ước giá trị nhập khẩu gỗ tháng 7/2018 đạt 170 triệu USD, lũy kế nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 1,24 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 của hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng ngoại trừ Campuchia (giảm 51,3%), Thái Lan (giảm 8,9%), Malaixia (giảm 7,8%).

Trên thị trường thế giới, căng thẳng thương mại, thiếu hụt nguyên liệu tiếp tục là các yếu tố chi phối thị trường gỗ thế giới những tháng qua. Mới đây, Hoa Kỳ đe dọa đánh thuế 10% hàng hóa của Trung Quốc với giá trị lên tới 200 tỷ USD nếu Trung Quốc tiếp tục có những biện pháp trả đũa chính sách thương mại của Hoa Kỳ, các sản phẩm gỗ tròn (HS 4403), gỗ xẻ (HS 4407), gỗ lạng làm lớp bề mặt (4408), gỗ ván sàn (4409), gỗ dán (4412) và các sản phẩm thuộc nhóm đồ gỗ nội, ngoại thất (9403) của Trung Quốc nằm trong gói thuế quan này. Bên cạnh đó, kể từ 1/7, Canada chính thức áp thuế nhập khẩu sản phẩm gỗ dán và ghế gỗ nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa chính sách thuế quan của Mỹ đối với sản phẩm nhôm thép.

Để phát triển lâm nghiệp và đa dạng hóa nguồn cung gỗ nguyên liệu, Trung Quốc cùng các nước tại khu vực Trung và Đông Âu đã thông qua “Kế hoạch hành động về cơ chế điều phối hợp tác lâm nghiệp giữa Trung Quốc và các nước thuộc khu vực Trung và Đông Âu”. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ hợp tác với Nga trong lĩnh vực buôn bán quyền sở hữu rừng, nền tảng thông tin lâm sản, chứng chỉ lâm sản, dịch vụ tài chính để phát triển ngành công nghiệp gỗ hai nước.

Trong ngắn hạn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa thể có tác động đáng kể nào đến hoạt động xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần tính đến những thách thức về cạnh tranh trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Xu hướng dịch chuyển đầu tư vào ngành gỗ của các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam sẽ gây nhiều áp lực đến ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước từ công nghệ cho đến nhân công giá rẻ. Do đó, các doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi trên thị trường thế giới, tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường có giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản.

Lưu ý:

Những tháng nửa cuối năm luôn đạt giá trị tăng cao hơn so với các tháng đầu năm với ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ do thói quen tiêu dùng, mua sắm, thay thế nội, ngoại thất cũng như xây dựng trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, một số thị trường như Mỹ (với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung) trong tương lại gần là cơ hội để sản phẩm gỗ Việt thay thế sản phẩm gỗ Trung Quốc ở thị trường này. Mặc khác, các đơn hàng thường được hoàn thành vào cuối năm, do đó dự báo gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ là nhóm hàng có những tín hiệu khả quan và là điểm sáng của xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018.Về chính sách, Việt Nam và EU đang dần hoàn thành những thủ tục pháp lý trong tiến trình phê duyệt ký kết và phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT. Đến giữa tháng 7/2018 Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt nội dung Hiệp định và đồng ý trình lên Hội đồng Bộ trưởng EU để cho phép ký chính thức. Phía Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Chính phủ để xuất ký Hiệp định. Những hoạt động tích cực trong tiến trình cũng như những cam kết được nội luật hóa thông qua Luật Lâm nghiệp đã giúp ngành gỗ Việt đảm bảo được uy tín trên trường quốc tế về nguồn gốc gỗ hợp pháp, tạo cơ hội cho ngành gỗ phát triển, xuất khẩu bền vững trong tương lai.

Theo IPSARD - MARD



Báo cáo phân tích thị trường