Tuy nhiên, câu chuyện “không để trứng vào một giỏ" lại một lần nữa được nhắc tới.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, số liệu thống kê tại hệ thống kiểm dịch thực vật đặt tại các cửa khẩu phía Bắc cho thấy, bình quân mỗi ngày Việt Nam vẫn xuất khẩu (XK) khoảng 13.000 tấn thanh long quả tươi sang thị trường Trung Quốc.
Năm 2017, Việt Nam XK được 1,5 triệu tấn thanh long tươi, trong đó hơn 1,3 triệu tấn là sang Trung Quốc. Riêng 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã XK 1,32 triệu tấn thanh long tươi sang Trung Quốc.
Cũng theo ông Hoàng Trung, ngay sau khi có tin đồn thanh long rớt giá, phía Cục đã đi kiểm tra trực tiếp tại các cửa khẩu và các doanh nghiệp XK thanh long, tuy nhiên, mọi hoạt động giao thương giữa hai quốc gia không có gì quá bất thường.
Về thông tin thanh long giá vài nghìn, theo Cục Bảo vệ thực vật là có, nhưng đây là thanh long phẩm cấp thấp, chất lượng mẫu mã không đủ điều kiện để XK. Bên cạnh đó, nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10, rất nhiều doanh nhân Trung Quốc về nước nghỉ lễ nên xuất hiện thông tin cộng hưởng là Trung Quốc ngừng mua thanh long nhằm ép giá người trồng.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 27.000 ha thanh long, với sản lượng khoảng 600.000 tấn. 80% trong số đó được XK tiểu ngạch sang Trung Quốc. Do đó, chỉ cần một động thái nhỏ từ phía bên kia cửa khẩu cũng có thể khiến một vùng sản xuất rộng lớn của ta lao đao.
Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát nhập khẩu theo hình thức biên mậu, nâng cao yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc đối với quả tươi nhập khẩu, trong đó có thanh long Việt Nam. Ngoài ra, tại nội địa Trung Quốc cũng đang phát triển thanh long tại một số tỉnh Quảng Tây.
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương cần thực hiện tốt quy hoạch vùng trồng thanh long, cần chú trọng đẩy mạnh sản xuất thanh long chất lượng cao phục vụ XK bởi diện tích thanh long cả nước đã đạt 50.000ha với sản lượng gần 2 triệu tấn quả và đang có xu hướng ngày càng mở rộng. Đặc biệt, cần có chính sách thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để chủ động được đầu ra khi việc bán nông sản tươi không còn thuận lợi về thị trường.
Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Ngoại giao thúc đẩy đàm phán để phía Trung Quốc mở thêm các cửa khẩu cho phép nhập khẩu quả tươi, đặc biệt là thanh long Việt Nam. Về phía Cục, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm dịch thực vật phía Trung Quốc nhằm tạo điều kiện nhanh nhất về thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam XK.
Trước thông tin Trung Quốc đang có tham vọng mở rộng vùng trồng thanh long lên 30.000 ha vào năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, không quá lo ngại về điều này. Trung Quốc không thể có cái nắng đặc trưng của Bình Thuận, không có cát giúp thanh long ngọt hơn. Trong khi Việt Nam đang có những điều kiện đó.
Nhưng có một điều phải thay đổi, đó là phương thức quản trị, không để tình trạng tỉnh Bình Thuận đến có 27.000 ha thanh long nhưng chưa có nhà máy chế biến. Đồng thời, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, không để trứng vào một giỏ. Ngoài ra, phải đẩy mạnh XK chính ngạch đàng hoàng, hạn chế và dần dần xóa bỏ XK tiểu ngạch.
Thanh long là một trong những loại trái cây cho giá trị kinh tế cao. Hiện, cả nước có khoảng hơn 50 nghìn ha thanh long, mỗi năm Việt Nam XK tới 1,5 triệu tấn quả, thu về 1 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm 80% sản lượng XK của thanh long Việt Nam.
Theo DĐDN