Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hài hòa lợi ích chuỗi giá trị hạt điều
18 | 10 | 2018
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa tổ chức Hội nghị Điều quốc tế lần thứ 10 – 2018. Tại hội nghị, các đại biểu mong muốn có sự phối hợp, chia sẻ lợi ích giữa tất cả các bên trong chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu.

Giá điều nhân – điều thô quá lệch nhau

Theo TS R.K Bhoodes, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến XNK Ấn Độ (CEPCI), mấy năm qua đang có sự bất bình đẳng, không tương quan giữa đầu vào – đầu ra trong ngành điều. Trước đây, giá điều thô và nhân điều song hành cùng nhau, nếu tăng giá thì tỷ lệ tăng gần như tương đương nhau. Nhưng mấy năm gần đây, trong khi giá nhân điều chỉ tăng chưa tới 50%, thì giá điều thô đã tăng tới trên 100%.

Nguyên nhân chính là do công suất chế biến điều trên toàn cầu đã tăng gấp đôi, khiến cho nhu cầu thu mua, sử dụng điều thô tăng cao. Thị trường điều thô lại bị kiểm soát ngày càng nhiều hơn bởi các nhà môi giới. Vì vậy, giá điều thô đã không còn tham khảo theo giá nhân điều nữa.

Trong khi giá điều thô tăng quá cao, góp phần không nhỏ trong việc gây khó khăn cho các nhà máy chế biến nhân điều ở Việt Nam, Ấn Độ…, thì chất lượng điều thô lại có vấn đề. Ông Nguyễn Minh Họa, GĐ Cty TNHH Bimico (Tây Ninh) cho hay, nhìn chung, chất lượng điều thô năm nay mà các DN Việt Nam nhập từ các nước Tây Phi không được như mong muốn.

Còn theo TS R.K Bhoodes, điều thô mà các DN Ấn Độ NK từ Châu Phi không đáp ứng được chất lượng, điều thô về tới cảng có chất lượng không đúng như điều thô mà các nhà XK đã giới thiệu khi chào hàng. Do đó, các nhà chế biến Ấn Độ đã không thể sản xuất đủ lượng nhân điều phù hợp với nhu cầu tiêu thụ.

Giá điều thô tăng quá cao mà chất lượng lại không đảm bảo, cùng các nguyên nhân khác như áp lực trả lãi vay ngân hàng…, đã gây ra khủng hoảng cho các nhà máy ở 2 nước chế biến hạt điều lớn nhất là Việt Nam và Ấn Độ.

TS R.K Bhoodes cho biết, nhiều nhà máy chế biến điều ở nước này đã phải giảm mạnh sản lượng chế biến, phải đóng cửa, thậm chí một số chủ nhà máy đã phải tự sát vì phá sản, không trả nổi lãi vay ngân hàng.

Nhưng nỗi lo ngại lớn nhất của ngành điều thế giới hiện nay là sự bất đồng giữa các nhà cung cấp nguyên liệu ở Châu Phi với các nhà chế biến nhân điều ở Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi nhiều doanh nhân Việt Nam, Ấn Độ “tố” các nhà cung cấp điều thô ở Châu Phi về việc chất lượng điều thô không tốt, không đúng như khi chào hàng, “xù” hợp đồng khi giá điều thô tăng, thì ngược lại, các nhà XK điều thô lại tố các nhà NK điều thô cũng “xù” hợp đồng theo kiểu từ chối nhận hàng với lý do không… có tiền, hoặc chỉ thanh toán 10% giá trị lô hàng. Nhiều nhà NK lại không có kế hoạch mua điều thô hợp lý, từ khi ký hợp đồng đến lúc nhận hàng chỉ trong vòng 1 tháng khiến nhà XK điều thô không đủ thời gian để phơi sấy, xử lý điều thô cho đạt độ ẩm cần thiết để đảm bảo chất lượng khi tới tay nhà NK.  

Phải hài hòa lợi ích giữa các bên

Trước tình hình đó, để tránh xảy ra những xung đột, tranh cãi trong tương lai giữa người trồng điều, XK điều thô ở Châu Phi với các DN chế biến điều ở Việt Nam, Ấn Độ, việc tìm một cơ chế phối hợp đang là vấn đề được đặt ra cho ngành điều thế giới.

Về điều này, TS R.K Bhoodes, cho rằng, ngành điều quốc tế cần có một quy trình thống nhất trong giao dịch, mua bán, để tránh các xung đột về thương mại. Khi có bất đồng xảy ra, cần có trọng tài, có diễn đàn chung để giải quyết kịp thời.

Ông Adama Coulibaly, TGĐ Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà (CCA), hy vọng tất cả các tác nhân trong chuỗi sản xuất ngành điều quốc tế đều tham gia một cách tích cực, làm sao để sản phẩm khi tới khách hàng giữ được chất lượng tốt, ổn định từ đầu tới cuối. Lợi ích của nước sản xuất điều thô và chế biến nhân điều đan xem với nhau, do đó phải đi cùng nhau, bổ trợ cho nhau. Các bên cần phải hợp tác tốt vì tương lai của ngành điều toàn cầu. Không nên chỉ bảo vệ lợi ích cục bộ của bên sản xuất điều thô hay bên chế biến nhân điều.

Theo ông Nguyễn Minh Họa, toàn bộ chuỗi giá trị hạt điều quốc tế cần phải có sự phân phối lợi ích một cách công bằng. Muốn vậy, trước hết phải có sự trao đổi thông tin, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên. Việt Nam, Ấn Độ và các nước XK điều thô Châu Phi cần thành lập một bộ phận chung để phối hợp tốt giữa sản xuất điều thô với chế biến nhân điều.

Bắt đầu từ năm 2019, Vinacas sẽ thay đổi thời điểm tổ chức Hội nghị Điều quốc tế. Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas, cho biết, thay vì tổ chức vào tháng 10 hay tháng 11 như những năm qua, trong những năm tới, Vinacas sẽ tổ chức Hội nghị Điều quốc tế vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, là thời điểm bắt đầu bước vào thu hoạch vụ điều ở Việt Nam. Khi ấy, đã có thể đánh giá được sản lượng, chất lượng điều Việt Nam. Qua đó, các DN Việt Nam có thể tính được phải NK điều thô là bao nhiêu. Các khách hàng châu Phi cũng nhìn vào vụ điều Việt Nam mà đưa ra kế hoạch kinh doanh điều thô một cách hợp lý hơn.

Theo NNVN



Báo cáo phân tích thị trường