Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
5 năm tái cơ cấu nông nghiệp: Xây dựng nền nông nghiệp thông minh
09 | 11 | 2018
Ngày mai 10.11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã phỏng vấn ông Hà Công Tuấn (ảnh)- Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT về những kết quả của quá trình 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp.
Ông Hà Công Tuấn- Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT.

CHÍN KẾT QUẢ LỚN CỦA 5 NĂM TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP

Được biết, ngày 10.11, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ông có thể cho biết tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của đề án này tới việc tổ chức sản xuất của ngành nông nghiệp trong 5 năm qua?

- Năm 2018 này, là mốc rất quan trọng cho nhiều sự kiện liên quan đến ngành nông nghiệp, đó là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của BCH T.Ư Đảng khóa X về vấn đề "nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; sơ kết 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Có thể thấy, đây là một Đề án có tầm chiến lược hết sức quan trọng trong việc tổ chức, sản xuất lại ngành nông nghiêp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhìn nhận lại, có thể thấy trong 5 năm qua, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả và tác động lớn như sau:

Một là, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và trong toàn xã hội về sự cần thiết phải cơ cấu lại nền nông nghiệp nhằm khắc phục những giới hạn của nền nông nghiệp kinh tế hộ, quy mô nhỏ với những yếu kém nội tại để nâng cao khả năng cạnh tranh hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả.

Hai là, hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tiếp tục đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều quy định pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế thị trường, tạo thuận lợi thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp; tháo gỡ một bước nút thắt về đất đai, đầu tư, tín dụng, liên kết hợp tác, bảo hiểm, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…  Các công ty nông, lâm nghiệp được sắp xếp, đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vì doanh nghiệp đã khẳng định là nhân tố nòng cốt trong chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản.

Ba là, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau 5 năm thực hiện Đề án TCCNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cơ cấu nông nghiệp đã chuyển sang nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường; chuyển sản xuất nông nghiệp từ lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu, sang chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển từ khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và quản trị tiến bộ. Đổi mới các hình thức sản xuất, hợp tác, liên kết chuỗi giá trị. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo sự phát triển đột phá ở nhiều địa phương, cơ cấu lại nông nghiệp đạt được tiến bộ cả 3 mục tiêu cốt lõi về kinh tế, xã hội, môi trường.

Theo đó, năng suất lao động nông nghiệp tăng 6,67%/năm, năm 2017 đạt 35,5 triệu đồng/lao động, gần gấp đôi mục tiêu đề ra. Thu nhập và mức sống của cư dân nông thôn được cải thiện, thu nhập của hộ gia đình nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng, gấp 1,71 lần so với năm 2012 và gấp 3,5 lần so với năm 2008, vượt mục tiêu đề ra. An ninh lương thực được bảo đảm, an ninh dinh dưỡng được cải thiện. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến tháng 10.2018 đạt 40%.

Bốn là, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế

Đến nay, nông lâm thủy sản sản Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn trước. Dự kiến năm 2018 sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD, 10 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1,0 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD. Tỷ trọng nông sản chế biến, , có lợi thế , tăng cao như:  rau, quả tăng từ 3% lên 9,59%; hạt điều tăng từ 5,4% lên 9,63%, đồ gỗ và lâm sản tăng từ 18% lên 22%, thủy sản tăng từ 22,4% lên 23%. Năng lực cạnh tranh, uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế. 

Năm là, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa

Từ năm 2013, thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển mạnh từ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sang trọng tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Đến hết tháng 10/2018, cả nước có 3.597 xã (40,3%) đạt chuẩn và có 55 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng nhanh công nghiệp; dịch vụ nông nghiệp phát triển mạnh và được xã hội hóa. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 14,1% năm 2012 xuống 8% năm 2017.

Sáu là, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã tăng làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn được triển khai mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, có 214 giống cây trồng mới, 15 giống thủy sản, 58 giống lâm nghiệp và 103 kỹ thuật tiến bộ được công nhận và đưa vào sản xuất; 808 tiêu chuẩn và 209 quy chuẩn kỹ thuật được ban hành và áp dụng hiệu quả.

Bảy là, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm. Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã hỗ trợ đào tạo cho khoảng 1,19 triệu người. Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp tăng từ 20% lên 38%.

Tám là, cơ cấu đầu tư công trong nông nghiệp được điều chỉnh theo các mục tiêu ưu tiên, chấm dứt dàn trải, nâng cao hiệu quả. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hàng chục công trình thủy lợi, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và cảng cá được hoàn thành, đưa vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.

Chín là, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường. Ngành nông nghiệp luôn đồng hành, đối thoại cùng các doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và PTNT rà soát các thủ tục hành chính; bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục (56,5%); 241/345 điều kiện đầu tư kinh doanh, (69,8 %)  35/64 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, (54,6%); danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan xuất nhập khẩu cắt giảm từ 7.698còn 1.800 (76,6%).

ĐÓN LÀN SÓNG DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP

Có thể nhận thấy, trong giai đoạn 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chưa bao giờ "không khí" của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đổ xô đầu tư vào nông nghiệp sôi động đến thế. Khi thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp luôn xác định doanh nghiệp là "đầu tàu" trong quá trình thực hiện. Xin ông đánh giá lại kết quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn 5 năm qua?

- Một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng lên, đó là chúng ta đã xây dựng được Nghị định 210 và sau này sửa đổi là Nghị định 167 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với những cơ chế, khuyến khích ưu đãi chưa từng có. 

Bởi thế, năm 2017, ghi dấu ấn đối với 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20%; đến tháng 9 năm 2018, cả nước có trên 49.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có 8.635 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tăng 2,5 lần so với năm 2012; đã củng cố và hình thành mới 13.006 HTX nông nghiệp; 62.550 tổ hợp tác theo Luật HTX 2012; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và chuyển hướng quy mô lớn hơn; kinh tế trang trại phát triển nhanh, với số lượng 35.542 trang trại, tăng 50,8% so với năm 2012.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, hầu hết những tên tuổi lớn đều đã đầu tư vào nông nghiệp, từ những Vingroup, T&T, Hòa Phát... vốn là những doanh nghiệp ngoài ngành đến những doanh nghiệp hình thành từ ngành nông nghiệp như TH, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Dabaco, Masan... đã dành nguồn vốn lớn để đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, phương châm của các doanh nghiệp này đều là đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng KHKT thông minh vào sản xuất.

SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU THỦY SẢN, LÂM NGHIỆP, RAU QUẢ TĂNG KỶ LỤC

Trước đây khi nói đến nông nghiệp, thường chúng ta chỉ nghĩ đến việc sản xuất các cây trồng truyền thống như lúa nước, mặc dù hiệu quả kinh tế không cao. Cái được của quá trình 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa qua có thể nhận thấy rõ là "tư duy quy ra thóc", tức có thời điểm, các tỉnh chạy đua theo sản lượng lúa để lấy thành tích đã thay đổi. Ông đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi này?.

- Đúng vậy, tư duy làm nông nghiệp trước đây của chúng ta là phải đảm bảo an ninh lương thực trước tiên, nên Quốc hội mới ra Nghị quyết giữ 3,812 triệu ha đất trồng lúa nước. Song trên thực tế qua sản xuất, trong 5 năm vừa qua chúng ta đã giảm được 200.000ha lúa để chuyển sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả hơn, nhất là cây ăn quả. Tuy giảm về diện tích trồng lúa nhưng năng suất, chất lượng vẫn tăng lên nhờ vào việc chúng ta đã đưa vào sản xuất các bộ giống lúa mới. Vì thế, quan điểm của chúng tôi bây giờ là, không nhất thiết phải ôm khư khư 3,8 triệu ha đất trồng lúa, mà có thể linh hoạt chuyển đổi sao cho hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo và giữ vững an ninh lương thực.

Cũng nhờ sự chuyển đổi đó, mà xuất khẩu rau quả ngày càng tăng và đạt mốc kỷ lục trên 3 tỷ USD. Sau 5 năm, giá trị tăng thêm trồng trọt tăng 7,8%, thu nhập bình quân trên 1ha canh tác tăng 4,8%; riêng cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt từ 12% lên 32%; cây công nghiệp từ 27% lên 43%.

Qua con số thống kê cho thấy, xuất khẩu thủy sản và lâm nghiệp ngày càng tăng và đạt các con số kỷ lục. Xin ông cho biết cụ thể hơn về các kết quả này?

- Nói về con số xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp cho thấy, hiện có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên; trong số đó có tới 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD trở lên. Trong đó, riêng lâm nghiệp năm 2018, có khả năng xuất khẩu đạt 9 tỷ USD và là ngành có giá trị xuất siêu lớn nhất toàn ngành nông nghiệp. Hiện chúng tôi đã xây dựng được vùng nguyên liệu gỗ ổn định, tăng cường cấp chứng chỉ rừng. Vì thế, mặc dù trong 3 năm qua đã đóng cửa hoàn toàn việc khai thác rừng tự nhiên, song con số xuất khẩu vẫn tăng đều hàng năm ở mức từ 10% trở lên và là ngành có mức tăng lớn nhất cùng với ngành thủy sản.\

Đối với ngành thủy sản, nhờ ứng dụng các tiến bộ vào sản xuất nên sản lượng nuôi trồng ngày càng tăng, cùng với đó là khâu đánh bắt hải sản cũng đã có những chuyển biến từ đánh bắt nhiều sang tăng cường bảo quản, chế biến để đạt giá trị cao hơn.

XÂY DỰNG NỀN NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH, PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN MỚI PHỒN VINH, VĂN MINH

Rõ ràng, giai đoạn 5 năm mới chỉ là mốc cơ bản để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vì đây là công việc cần được triển khai trong thời gian dài và kéo dài qua nhiều năm nữa. Vậy mục tiêu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong những giai đoạn tới là gì, thưa ông?

- Chúng tôi xác định, tái cơ cấu nông nghiệp là chiến lược lâu dài, đòi hỏi có tầm nhìn xa, vì thế mới xác định, đề án này có tầm nhìn thực hiện đến năm 2045. Do đó, mục tiêu chung của ngành nông nghiệp được xác định trong thời gian tới, đó là: Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức khu công nghệ cao, doanh nghiệp, trang trại, gia trại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tạo dựng thương hiệu nông sản trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, các mặt hàng thủy sản, đồ gỗ...

Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của hội nhập quốc tế đem lại, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường...

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Trong 2 ngày 9-10.11, Chính phủ, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc.

Hoàn thiện khung pháp lý phục vụ tái cơ cấu

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, một trong những nội dung quan trọng của TCCNN là từng bước hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi và hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại.

Giai đoạn 2016-2018, Bộ NNPTNT đã trình Quốc hội 5 dự án luật, trong đó đến thời điểm này đã có 3 dự luật được thông qua là Luật Lâm nghiệp, Luật Thuỷ sản, Luật Thủy lợi. Kỳ họp Quốc hội lần này dự kiến sẽ thông qua  Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi.

Sau khi 5 luật này được thông qua, sẽ ban hành khoảng 13-14 nghị định và 30 thông tư hướng dẫn luật. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong 5 năm qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành  nông nghiệp được ban hành như chính sách đất đai, cơ chế tài chính, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT...; chính sách phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; tăng cường cung cấp tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường quốc doanh; đổi mới cơ cấu tổ chức ngành; đào tạo nhân lực; tháo gỡ khó khăn về thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản...

Theo Dân Việt

http://danviet.vn/nha-nong/5-nam-tai-co-cau-nong-nghiep-xay-dung-nen-nong-nghiep-thong-minh-928785.html



Báo cáo phân tích thị trường