Việt Nam thông báo hai ca bùng phát dịch cúm gia cầm H5N6
Hai ca cúm gia cầm lây nhiễm cao H5N6 đã được phát hiện tại huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên và tại tỉnh Nghệ An. Cả hai đều là các khu vực nuôi vịt đẻ trứng lớn nhất Việt Nam. Phó giám đốc Chi cục Chăn nuôi Phú Yên Nguyễn Văn Lâm cho biết hồi tuần trước rằng cúm H5N6 được phát hiện tại một trang trại nuôi gia cầm đẻ trứng, hỗn hợp gà và vịt. Phú Yên là một trong những khu vực chăn nuôi lớn nhất của khu vực miền trung Việt Nam. Khu vực phát hiện dịch thứ hai là một đàn vịt cách Phú Yên khoảng 1.000km. Cả hai khu vực phát hiện dịch đều đã được cách ly để ngăn ngừa lây lan.
Việt Thắng chạy thử nhà máy TACN lớn nhất Việt Nam
Công ty Việt Thắng – công ty con của tập đoàn Hùng Vương (HVG) vừa bắt đầu chạy thử nghiệm nhà máy TACN Việt Thắng tại khu công nghiệp Nhựt Chánh, tỉnh Long An. Nhà máy trị giá 35 triệu USD này được trang bị công nghệ châu Âu hiện đại và có thể sản xuất 600.000 tấn TACN hàng năm. Nhà máy này được thiết kế đặc biệt các dây chuyền sản xuất thông minh để tránh triệt để nhiễm bẩn chéo trong quá trình sản xuất cũng như truy xuất nguồn gốc từ các nguyên liệu thô tới sản phẩm cuối cùng và ngược lại. Nhà máy này là một trong những nhà máy TACN lớn nhất Việt Nam. Theo đại diện của Hùng Vương, nhà máy này tự động hóa hoàn toàn và chỉ cần khoảng 6 lao động mỗi ca. Nhà máy này dự kiến bắt đầu sản xuất chính thức từ tháng 11/2018.
Việt Nam được xem là thị trường đích thứ hai của đậu tương Mỹ
Một tàu vận chuyển đậu tương Mỹ đã cập cảng Phú Mỹ tại Việt Nam từ Trung Quốc sau khi tìm được những người mua mới giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang. Theo trang tin Bloomberg và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tàu hàng Audacity đã chở 69.244 tấn đậu tương từ Thanh Đảo, Trung Quốc, chuyển hướng sang cảng Phú Mỹ. Đây là bằng chứng rõ rệt về căng thẳng thơng mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo thống kê của USDA, từ đầu năm 2018, lượng đậu tương Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ đã tăng tới 93%. Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng Việt Nam không nên lỡ cơ hội nhập khẩu đậu tương ở mức giá tốt như hiện nay.
Cơ hội cho ngành nghiền đậu tương tại Indonesia
Indonesia là nước tiêu dùng bột đậu tương lớn thứ 2 tại Đông Nam Á nhưng lại không có ngành sản xuất nghiền đậu tương. Theo Rabobank, một phần nguyên nhân là do Indonesia tiêu dùng rất ít dầu đậu tương khi nước này có nguồn cung dầu cọ giá rẻ hơn. Thực tế này làm hạn chế doanh thu của các nhà nghiền đậu tương từ bán dầu đậu tương trên thị trường nội địa và buộc họ phải có phương án xuất khẩu phần lớn dầu đậu tương ra thị trường quốc tế. “Đầu tư vào các nhà máy nghiền đậu tương tại Indonesia có thể mang lại biên lợi nhuận tích cực và có thể khả thi về kinh tế nếu xuất khẩu được dầu đậu tương”, theo ông Oscar Tjakra, nhà phân tích cấp cao ngành ngũ cốc và các loại hạt có dầu tại Rabobank. “Các quốc gia Nam Á là các thị trường đích xuất khẩu phù hợp do nhu cầu nhập khẩu dầu đậu tương cao và khoảng cách tới Indonesia thuận lợi của các nước này”. Sự mạnh lên của đồng Rupiah cũng đóng vai trò quan trọng trong biên lợi nhuận của các nhà nghiền đậu tương do Indonesia phải nhập khẩu đậu tương cho chế biến. Tương tự, đồng Rupiah cũng quyết định khả năng cạnh tranh của dầu đậu tương Indonesia khi xuất khẩu sang Nam Á, so với Nam Mỹ.
Thái Lan nỗ lực xuất khẩu để giải quyết vấn đề giá trứng giảm
Thái Lan có kế hoạch xuất khẩu tới 60 triệu quả trứng để giải quyết vấn đề dư cung gây áp lực giá trứng nội địa giảm. Nhu cầu trứng trên thị trường nội địa Thái Lan hàng ngày vào khoảng 40 triệu quả, trong khi sản lượng hàng này đạt 50 triệu quả, khiến giá trứng giảm xuống còn 0,06 – 0,07 USD/quả. Ông Vichai Pochanakit, lãnh đạo cơ quan thương mại nội địa, cho rằng các giải pháp trong cả ngắn và dài hạn theo đồng thuận từ Hội đồng Trứng Thái Lan, Bộ Chăn nuôi và các nhà bán lẻ – xuất khẩu trứng, là Thái Lan nên xuất khẩu các sản phẩm trứng sang các thị trường như Hong Kong, Singapore và các nước Trung Đông. Cơ quan quản lý thương mại nội địa đang tìm cách phê chuẩn gói hỗ trợ trị giá 457.000 USD cho các nhà xuất khẩu trong vòng 3 tháng. Sau đó, các nhà xuất khẩu phải tự trang trải chi phí xuất khẩu.
Theo Asian Agribiz