Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Diện tích hồ tiêu đã gấp 3 lần quy hoạch
13 | 12 | 2018
Hiện diện tích hồ tiêu ở Việt Nam đã đạt 152.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha.

Trên phạm vi thế giới, trong vòng 5 - 7 năm qua, diện tích hồ tiêu cũng tăng 3 lần (đạt 480.000 ha) nhưng giá trị hạ thấp 4 lần. Giá tiêu khô từ mức 250.000 đồng/kg giảm xuống còn 58.000 đồng/kg.

Vì vậy, trong hội nghị Triển vọng ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam 2018, tổ chức ngày 4/12, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Từ nay cây tiêu không nên chạy theo số lượng mà phải là chất lượng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong những năm qua diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh không thể kiểm soát được, đang đặt ra những vấn đề lớn nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.

Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD nhưng đến nay vẫn chưa có cây giống nào được công nhận là không thể chấp nhận được. Hay việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu...

Vì vậy phải tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu, mà nhiệm vụ trước mắt là kiên quyết kéo giảm diện tích hồ tiêu ở những nơi không phù hợp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Đồng thời ngành nông nghiệp phải tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ra được những giống tốt để công nhận, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hồ tiêu Việt Nam đang bước vào giai đoạn khó khăn khi giá giảm sâu so với 2-3 năm trước, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.

Hiện, hồ tiêu Việt Nam đã xâm nhập trên 100 quốc gia, chiếm tới 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu trên toàn thế giới. Để có được sản phẩm tiêu sạch đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, đã có 20 doanh nghiệp lớn trong ngành hồ tiêu đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hạt theo tiêu chuẩn công nghệ cao với tổng công suất chế biến khoảng 60.000 - 70.000 tấn/năm.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Intimex Group, cho biết thêm hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng  tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu chứng tỏ hồ tiêu Việt Nam được thế giới quan tâm, vẫn coi là nơi có hạt tiêu chất lượng nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất để gia tăng giá trị ngành hồ tiêu là sản xuất hạt tiêu nguyên liệu trên đồng ruộng. Vì thế mấu chốt là xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững trên cơ sở liên kết; trong đó có 2 mắt xích quan trọng là sản xuất ngoài đồng ruộng và chế biến trong nhà máy trên nền tảng hiện đại hoá, theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, ông Gerhard Weber, đại diện Hiệp hội gia vị châu Âu (ESA) cho rằng, người nông dân Việt Nam hiện đang thiếu thông tin chất lượng và tiêu chuẩn của các quốc gia tiêu thụ hồ tiêu. Thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2018 chất lượng hồ tiêu Việt Nam đã được cải thiện do giảm thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ tiêu chuẩn EU MRL nên sản lượng vào châu Âu đã tăng 6%. ESA cam kết sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng hạt tiêu, ổn định thị trường xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ.

Theo Chinhphu.vn



Báo cáo phân tích thị trường