Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chế biến thực phẩm tăng trưởng nhanh của Việt Nam thu hút sự quan tâm của đầu tư nước ngoài
07 | 01 | 2019
Phát biểu tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng khoảng 6,8% trong giai đoạn 2013 – 2017 đối với ngành thực phẩm chế biến và9,7% đối với ngành đồ uống. Chế biến thực phẩm cũng là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035 hướng tới bền vững, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Trong đó, đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ đóng vai trò phát triển chính.

Ông Vũ Văn Chung, cục phó Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tổng đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam hiện đã chạm mức 11,2 tỷ USD, trải rộng trên 717 dự án và chưa tính đến các hoạt động thâu tóm/hợp nhất.

Sức hút của ngành chế biến thực phẩm Việt Nam đối với các nhà đầu tư được cho là xuất phát từ các chính sách thuế có lợi. Các chuỗi sản xuất tích hợp công nghệ cao hoàn toàn được miễn thuế. Ngoài ra, các nhà đầu tư được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 5% so với mức thuế thông thường (25%), các dự án được ưu tiên sẽ được miễn thuế tới 4 năm, sau đó sẽ hưởng mức thuế thấp hơn thông thường 50% trong 9 năm tiếp theo.

Phần lớn các quỹ đầu tư đều hướng tới các ngành chế biến thủy sản, đồ uống và chế biến nông sản nhưng hiện đang đối mặt với một rào cản lớn liên quan đến nguồn cung nguyên liệu thô nội địa, nghĩa là Việt Nam sẽ cần phải nhập khẩu nguyên liệu thô cho chế biến thực phẩm, ông Chung cho biết. “Bất chấp các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, ngành chế biến thực phẩm Việt Nam vẫn chưa thu hút được các khoản đầu tư từ các thị trường phát triển trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Mỹ, Úc và EU”, ông cho biết thêm.

Các phân khúc thị trường chế biến thực phẩm mạnh tại Việt Nam

Theo Bộ Công thương (MoIT), sản xuất và chế biến sữa, đồ uống, dầu ăn và bánh kẹo dự báo tăng trưởng và trở thành các phân khúc thị trường chế biến năng suất nhất của Việt Nam. Tiêu dùng sữa nội địa dự báo đạt 27 – 28 lít/người/năm đến năm 2020; tiêu dùng dầu ăn sẽ đạt 17 kg/người/năm đến năm 2020 và 20 kg/người/năm đến năm 2025; tiêu dùng bánh kẹo sẽ tăng 10%/năm và tiêu dùng đồ uống sẽ chạm mức 6,8 tỷ lít vào năm 2020 và 9,1 tỷ lít vào năm 2025. Chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, ngành chế biến thực phẩm đã tăng 8,7% trong 10 tháng đầu năm 2018, theo Sở Công thương thành phố này cho biết.

Một ví dụ về một công ty tận dụng tốt các thị trường đang tăng trưởng nhanh là CJ Cheiljedang (CJCJ) Group của Hàn Quốc. CJCJ đã thâu tóm hoặc mua cổ phần lớn tại hàng loạt các công ty và thương hiệu thực phẩm tại Việt Nam, bao gồm Ong Kim, Vissan và CTCP Chế biến Thực phẩm Cầu Tre. CJCJ cũng cho biết rằng tập đoàn kỳ vọng đạt doanh thu 700 triệu USD đến năm 2020 bằng cách đầu tư vào cả thị trường trong và ngoài nước.

Ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam mở rộng và phát triển

Theo ông Hải, tiêu dùng thực phẩm hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP và dự báo sẽ tiếp tục mở rộng do các xu hướng thực phẩm ăn liền cũng như thu nhập tăng. Ông cũng đề cập tới nhiều yếu tố tích cực cho sự phát triển của ngành trong tương lai gần, đặc biệt sau khi các thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực và mở ra một thị trường tiêu dùng và đầu tư rộng lớn hơn.

Các thỏa thuận thương mại tự do này bao gồm Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) cùng các thỏa thuận khác. Business Monitor International (BMI) ​cũng dự báo rằng ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ tăng trưởng 16,1% trong giai đoạn 2016 – 2019.

Theo Food Navigator Asia



Báo cáo phân tích thị trường