Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội để tham mưu hoạch định chính sách lâm nghiệp
28 | 08 | 2007
Ngày 16/3/2007 tại Sở Nông nghiệp&PTNT ĐăkLăk đã diễn ra cuộc họp của chương trình lâm nghiệp Việt Nam - Đức (GTZ) nhằm thảo luận về kế hoạch hoạt động năm.

Tham dự cuộc họp có các chuyên gia của dự án GTZ, phía Trung ương có đại diện Cục Lâm nghiệp, Trung tâm Thông tin Viện Chính sách và Chiến lược NNPTNT, phía địa phương có các phòng ban của Sở Nông nghiệp&PTNT ĐăkLăk, doanh nghiệp tư nhân Trường Thành.

Chính sách đang là quan tâm lớn của địa phương và nhà tài trợ

Phát biểu khai mạc cuộc họp tiến sỹ Laslo Pancel, cố vấn trưởng dự án GTZ cho rằng, với những thử nghiệm của các dự án thành công trước đây và vị trí đặc biệt quan trọng, ĐakLak tiếp tục được GTZ chọn làm thí điểm thực hiện các hoạt động của dự án về lâm nghiệp, trong đó hỗ trợ về công tác hoạch định chính sách sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Nhiều ý kiến trong cuộc họp cho rằng hiện nay khung khổ chính sách lâm nghiệp chưa hoàn chỉnh, còn nhiều mảng phải bổ xung, hoàn thiện. Trước đây, chính sách lâm nghiệp chủ yếu do Trung Ương làm, địa phương chỉ triển khai thực hiện, và có tính hướng dẫn. Nhưng có những chính sách Trung Ương yêu cầu địa phương tham gia, cấp địa phương tổ chức lấy ý kiến các ban ngành liên quan, và lấy ý kiến đến người dân tuy nhiên do hạn chế về kinh phí và cách thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, thực tiễn cuộc sống, đặc biệt ở cấp địa phương thay đổi nhanh, phát sinh những hoạt động và quan hệ mới đòi hỏi phải có khung chính sách để điều chỉnh, do đó những thử nghiêm chính sách cần phải được mạnh dạn tiến hành, công tác hoạch định chính sách cần phải được đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Xuân phó giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT ĐăkLăk cho rằng ĐăkLăk là tỉnh có diện tích rừng lớn, 604.807 ha, độ che phủ 46,1%. Nghị quyết của HĐND năm 2007 đề ra mục tiêu phải tăng độ che phủ rừng lên 47%, và năm 2010 tăng lên 50%. Vấn đề đặt ra phải quản lý rừng tự nhiên bền vững, 1 năm phải tiến hành khoanh nuôi, tái sinh, trồng rừng 6000-8000 ha. Hiện nay, trọng tâm công tác của Sở hướng vào công tác tham mưu cho tỉnh và Bộ để xây dựng và triển khai một loạt chính sách liên quan đến lâm nghiệp như:

  • Xây dựng kế hoạch, qui hoạch phát triển lâm nghiệp từ cấp tỉnh, huyện và xã theo qui

    định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

  • Thực hiện rà soát 3 loại rừng, hiện nay đã hoàn tất qui hoạch và trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt;
  • Rà soát, củng cố và kiện toàn hệ thống lâm trường quốc doanh theo Nghị định 200/CP.
  • Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng theo cơ chế hưởng lợi 178/QĐ, bên cạnh đó triển khai giao khoán bảo vệ rừng tập trung theo kế hoạch của Nhà nước.
  • Thực hiện chương trình cải tạo rừng nghèo kiệt theo Thông tư 99/BNN&PTNT, trong đó các giống cây trồng mới có năng suất cao, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác trồng rừng được khuyến khích áp dụng.
  • Thực hiện xây dựng đề án phát triển ngành chế biến lâm sản giai đoạn 2006-2010,

    Ông Võ Đình Tuyên, chuyên viên của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp&PTNT cho rằng năm 2007 là năm bản lề của lâm nghiệp, thủ tướng mới ký chiến lược lâm nghiệp quốc gia. Năm 2007, Cục Lâm nghiệp phải đẩy mạnh hoạt động để hoàn thành 3 thông tư hướng dẫn về giao rừng; quy hoạch, thống kê và kiểm kê. Các hoạt động chính của dự án GTZ liên quan đến công tác trợ giúp hoạch định chính sách ở ĐăkLăk nhằm vào:

  • Trợ giúp cho tỉnh hoàn thành kế hoạch quy hoạch bảo về và phát triển rừng, khảo sát ở cơ sở.
  • Xây dựng thông tư 56 hướng dẫn xây dựng quy ước quản lý rừng bền vững và thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định định giá rừng.
  • Thành lập mạng lưới chính sách Trung ương và vùng nhằm tăng cường kết nối thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương và giữa địa phương với trung ương để tăng cường hiệu quả công tác hoạch định và triển khai chính sách.

    Đứng về phía khu vực tư nhân, doanh nghiệp Trường Thành cho rằng trong công tác xây dựng mạng lưới chính sách, dự án GTZ cần phải đầu tư xây dựng thông tin trao đổi, cơ sở dữ liệu, và diễn đàn để kết nối các chủ thể lại với nhau.

    Triển vọng cho sự tham gia của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

    Lâm nghiệp là một lĩnh vực tương đối mới trong hoạt động nghiên cứu Viện. Tuy nhiên những vấn đề phát triển lâm nghiệp đang đặt ra nhu cầu hoạch định chính sách hết sức quan trọng không những đối với Bộ ngành, mà cả địa phương và đối với sinh kế của người dân sinh sống phụ thuộc vào nghề rừng và với cả ngành kinh doanh lâm sản và gỗ. Đứng trước yêu cầu như vậy đòi hỏi Viện Chính sách và Chiến lược nên có định hướng tham gia tích cực trong công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách cho Bộ ngành. Một số vấn đề của ngành lâm nghiệp có thể trở thành những chủ đề nghiên cứu cho Viện như sau:

  • Những cải cách cuối thập kỷ 80 về chính sách thực hiện trước tiên trong ngành nông nghiệp, trong khi lâm nghiệp đi sau vẫn còn gặp nhiều trở ngại về chính sách và cơ chế.
  • Xuất khẩu gỗ&lâm sản mấy năm trở lại đây tăng trưởng đột phá, đạt mức khoảng 2 tỷ USD vượt qua tất cả các ngành hành nông sản khác. Liệu lâm nghiệp sẽ trở thành một đột phá cho nông nghiệp Việt Nam trong tương lai? Những vấn đề về thị trường nội địa, nguồn nguyên liệu, thị trường quốc tế, sự tăng trưởng bền vững, triển vọng xuất khẩu....đang đòi hỏi có những phân tích và giải đáp có tính khoa học.
  • Hiện nay, một số chính sách lâm nghiệp ban hành còn có một số điểm chưa hợp lý, chưa đi vào cuộc sống, cần phải điều chỉnh, một số vấn đề mới phát sinh ở địa phương đòi hỏi phải có khung chính sách điều chỉnh. Bộ Nông nghiệp đang phối hợp với các nhà tài trợ và địa phương tiến hành thử nghiệm ở một số địa phương. Những thử nghiệm này cần phải được phân tích, đánh giá và tổng kết nhằm hỗ trợ cho công tác hoạch định và triển khai chính sách trên diện rộng.
  • Ở ĐăkLăk đang triển khai nhiều dự án thí điểm về lâm nghiệp của GTZ như hỗ trợ hoạt động thương mại, xây dựng mạng lưới chính sách lâm nghiệp, thử nghiệm mô hình chia sẻ lợi ích trong phát triển rừng cộng đồng, mô hình mạng lưới chính sách....những bài học từ thực tiễn sinh động như vậy rất cần được thảo luận, phân tích và thông tin lên các cấp lãnh đạo để đẩy nhanh quá trình thể chế hoá những thử nghiệm.

    (Tài liệu tham khảo: Một số chủ trương, kế hoạch qui hoạch phát triển ngành lâm nghiệp Đaklak hiện nay)

Phạm Quang Diệu



Báo cáo phân tích thị trường