Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vinacas: Doanh nghiệp chế biến điều cần cẩn trọng trong năm 2019
10 | 01 | 2019
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas, dự báo năm 2019 có thể tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành điều nên các nhà sản xuất, chế biến cần thận trọng. Ông Công khuyến cáo các doanh nghiệp không vội kí hợp đồng khi vụ mùa chưa bắt đầu đầu.

Nhiều nước sản xuất điều bước vào vụ thu hoạch sớm

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhu cầu điều nhân cuối năm 2018 trầm lắng. Theo đó, các thị trường EU và Mỹ vào kì nghỉ lễ dài để đón năm mới và Giáng Sinh nên tạm ngưng giao dịch kéo theo giá điều cũng “lặng sóng”.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay các hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2019 đã được thực hiện ở khâu sản xuất, do đó nhu cầu hạt điều dự kiến yếu thời gian tới. Trong khi đó, nguồn cung hạt điều được bổ sung khi nhiều nước sản xuất bước vào vụ thu hoạch sớm.

Diễn biến này trái với dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra hồi tháng 11/2018 rằng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vẫn có thể tăng do nhu cầu tiêu thụ cho các dịp lễ, Tết tăng.

Tại Trung Quốc, nếu những năm trước, khách thường hỏi mua nhiều vào thời điểm trước Tết Nguyên Đán thì năm nay sức mua chậm.

Giá điều xuất khẩu nửa đầu tháng 12/2018 trung bình đạt 8.109 USD/tấn, chỉ tăng 2% so với cuối tháng 11/2018 và thấp hơn tới 20,7% so với cùng kì năm 2017.

Vinacas cho biết thêm thị trường điều thô cũng kém sôi động. Chỉ còn một số nhà máy sản xuất, chế biến nhỏ thiếu hụt nguyên liệu nên họ chấp nhận mua với giá cao hơn so với giá điều mặt bằng thị trường. Tuy nhiên, giao dịch với số lượng nhỏ.

Tại các kho ngoại quan, vẫn còn một lượng tương đối điều thô vẫn chưa bán được do chất lượng kém. Ngoài ra, một số nhà cung cấp chào hàng từ Tây Phi và Guinea Bissau nhưng hầu như người mua Việt Nam không mấy quan tâm.

Ở Tanzania, chính phủ nước này muốn bán 150.000 tấn nhưng hầu như người mua truyền thống Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa hào hứng với giá họ đưa ra.

Vinacas nhận định, các nhà máy sản xuất chế biến Việt Nam dường như đã lên kế hoạch cho việc nghỉ Tết cổ truyền và sửa sang, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị để phục vụ cho năm 2019.

Trước đây, tại cuộc thảo luận của Vinacas, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đã nhận định dù Việt Nam không nhập điều thô từ Tanzania nhưng vẫn đủ nguồn nguyên liệu để chế biến đến giáp vụ mùa. Vinacas cho biết thực tế đã diễn ra đúng với nhận định này.

Đối với nguồn cung từ Campuchia, Vinacas thông tin tại cửa khẩu Hoa Lư có thu mua số lượng nhỏ điều tươi, mỗi ngày trên dưới 2 tấn, giá dao động 35.000 – 37.000 đồng/kg cho nhân thu hồi khoảng 29% do đầu vụ nên phơi hao hụt rất thấp.

Kiểm soát chất lượng điều mua từ Tây Phi

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas dự báo năm 2019 có thể tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành điều nên các nhà sản xuất, chế biến cần thận trọng. Ông Công khuyến cáo các doanh nghiệp không vội kí hợp đồng khi vụ mùa chưa bắt đầu đầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần kiểm soát chất lượng từ ngay đầu thu mua, nhất là từ Tây Phi vì có thể xảy ra việc trộn nguyên liệu cũ.

Ngoài ra, chủ tịch Vinacas cũng cho hay, ngay khi chính phủ Tanzania “bung hàng”, thị trường điều thô có thể dư thừa cục bộ tại một thời điểm.

Nhìn lại năm 2018, ngành điều Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi giá điều xuất khẩu tháng 9 chạm đáy hai năm còn 8.400 USD/tấn và tiếp tục giảm xuống còn hơn 8.100 USD/tấn trong tháng 12.

Nguyên nhân giá điều giảm như hiện nay là cung vượt quá cầu. Trong khi nhu cầu các sản phẩm điều trên thế giới chỉ tăng khoảng 5% thì sản lượng sản xuất điều nhân của Việt Nam tăng tới 25%. Vinacas cho hay Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với thị phần tới 60%.

Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt điều giai đoạn 2017 - 2018. Biểu đồ: Vinacas

Giá điều nhân giảm xuống thấp, 70 - 80% doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ tại “thủ phủ” điều Bình Dương tạm ngừng hoạt động.

Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế đến ngày 15/12, xuất khẩu hạt điều nhân đạt 355.600 tấn, trị giá 3,22 tỉ USD, tăng 5,4% về lượng nhưng giảm 4,1% về trị giá so với cùng kì năm ngoái. Giá điều xuất khẩu bình quân đạt 9.061 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kì năm 2017.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường