Khó chồng khó
Mỗi tháng Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Xuyến Hoa (tỉnh Tây Ninh) xuất khẩu chính ngạch khoảng 4 - 5 container hạt điều (chủ yếu loại W320, W240) sang Trung Quốc. Ông Kiều Quốc Thạnh, Phó giám đốc công ty cho biết, xuất khẩu hạt điều của công ty gần đây gặp khó bởi Trung Quốc đã hạ giá Nhân dân tệ so với USD để đối phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Chính ngạch đã khó, xuất khẩu tiểu ngạch còn khó hơn. Ông Thạnh cho biết, do chiến tranh thương mại nên Trung Quốc hạn chế các nhà xuất khẩu Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Đây là biện pháp nhằm ngăn chặn hàng hóa của Mỹ và các nước “tuồn” vào Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Ngoài ra, hàng xuất tiểu ngạch bị Trung Quốc kiểm soát rất gắt gao tại khu vực biên giới, nên cũng khó để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu điều tiểu ngạch, ông Thạnh cho biết.
Trên thực tế, hạt điều Việt Nam lâu nay chủ yếu xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch và được tập kết tại tỉnh Quảng Đông. Việc mua bán điều giữa hai bên vẫn có đầy đủ hồ sơ xuất nhập khẩu, nhưng đây vẫn là mua bán tiểu ngạch bởi hình thức thanh toán là chuyển khoản từ ngân hàng này sang ngân hàng kia, mà không sử dụng thanh toán bằng thư tín dụng (LC).
Theo thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), con đường tiểu ngạch dường như đang bị thu hẹp bởi phía Trung Quốc rục rịch áp dụng phương thức thanh toán chính ngạch bằng LC đối với hạt điều nhập khẩu.
Nếu thanh toán bằng LC được áp dụng, đồng nghĩa với hạt điều sẽ không được vận chuyển nhiều qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai, mà chủ yếu đi bằng đường biển (container), ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS cho biết.
Phía Trung Quốc cũng dự tính áp quy định kiểm soát nguồn gốc giống như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang áp dụng quy định về việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà máy sản xuất và chế biến sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.
Chủ tịch VINACAS cho hay, dù dự định trên chưa được ban hành chính thức, nhưng các nhà nhập khẩu của Trung Quốc đã thông tin tới đối tác Việt Nam rằng phía Trung Quốc sớm muộn cũng áp dụng quy định kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà máy điều của Việt Nam mà xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thêm một khó khăn đối với xuất khẩu điều sang Trung Quốc là xuất xứ nguồn gốc. Việt Nam chủ yếu nhập điều thô từ châu Phi về chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Kiều Quốc Thạnh, PGĐ Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Xuyến Hoa cho biết, cơ quan chức năng của Việt Nam không cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho hạt điều có nguồn gốc từ châu Phi; do vậy rất khó để doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch đáp ứng yêu cầu giấy C/O của phía Trung Quốc.
Theo Chủ tịch VINACAS, việc áp dụng kiểm soát nguồn gốc là chiêu bài mà phía Trung Quốc dùng để “bóc tách” các loại sản phẩm hạt điều và ép Việt Nam hạ giá hạt điều có nguồn gốc châu Phi.
Ngành điều chuyển hướng
Trong 9 tháng đầu năm 2018 các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất 29.342 tấn hạt điều sang Trung Quốc, giá trị ước đạt 263 triệu USD, giảm tương ứng 3,6% về lượng và 10,77% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Xét trong giai đoạn 9 tháng đầu năm, có 7 tháng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu điều sang Trung Quốc sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Nguồn: Hiệp hội Điều Việt Nam. |
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS cho hay, dù chỉ còn vài tháng nữa là cận kề Tết, nhưng sức tiêu thụ hạt điều của thị trường Trung Quốc vẫn dè dặt, đây là điều hơi bất thường bởi lẽ ra thời điểm này thị trường Trung Quốc đang nhộn nhịp nhập khẩu điều và tập kết hàng để phân phối đi các nơi.
“Thực tế, nhiều nhà nhập khẩu điều của Trung Quốc không mặn mà với điều Việt Nam, bởi kinh doanh hạt điều không được lãi như trước”, Chủ tịch VINACAS nói.
Nhiều nhà nhập khẩu của Trung Quốc đang chịu lỗ, trong số đó, hầu hết các đối tác nhập khẩu truyền thống đã không kinh doanh hạt điều nữa, mà chuyển sang kinh doanh các loại hạt khác, như hạnh nhân và hạt rẻ để kiếm lời cao hơn.
Trước đây, thị trường Trung Quốc chiếm từ 40 - 50% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam, nhưng nay tỷ trọng này giảm còn khoảng 20%. Hiện nay Mỹ và châu Âu là hai thị trường nhập khẩu điều chính của Việt Nam, đặc biệt Mỹ luôn chiếm thị phần khoảng 38 - 40%.
Chủ tịch VINACAS cho biết, hiện chưa có thống kê, đánh giá doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao bởi những diễn biến gần đây của thị trường Trung Quốc.
VINACAS khuyến nghị các doanh nghiệp điều Việt Nam cần phải có điều chỉnh việc nhập khẩu điều thô, chỉ nhập khẩu những loại hạt điều chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu khách hàng, ông Công nói.
Phía VINACAS cũng đang tính toán các phương án, định hướng điều chỉnh sản xuất kinh doanh điều cho năm 2019. Theo đánh giá hiện nay, Mỹ và châu Âu là những thị trường tiềm năng nhất, nhưng cần sớm đánh giá cụ thể lại tình hình các thị trường này để có bước điều chỉnh sản xuất trong nước.
Ông Phạm Văn Công cho biết, ngành điều đặt mục tiêu đẩy mạnh sản xuất hàng chất lượng cao và chế biến sâu, đồng thời nhắm đến thị trường Nga và vùng Ả Rập. Dù mới bắt đầu nhập khẩu điều của Việt Nam, nhưng thị trường Nga rất tiềm năng và sức mua thị trường lớn.
Theo VOV