Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thông tin mùa vụ và khuyến cáo thu mua và nhập khẩu nguyên liệu niên vụ 2019
18 | 03 | 2019
Sáng ngày 15/3/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã tổ chức Hội nghị về thu mua điều niên vụ 2019. Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch VINACAS chủ trì Hội nghị. Đến dự có các ông/ bà ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành VINACAS và đại diện của trên 70 doanh nghiệp chế biến và kinh doanh điều ở Việt Nam.

Sau một buổi thảo luận, trao đổi nghiêm túc, sôi nổi, thẳng thắn tại Hội nghị, Chủ tịch VINACAS đã tổng hợp ý kiến của các đại biểu và kết luận như sau:

1. Thời gian gần đây, có thông tin cho rằng: vụ mùa điều năm nay của Việt Nam và Campuchia kém; do thời tiết, châu Phi mất mùa dẫn đến sản lượng điều của thế giới giảm. Những thông tin này là không đúng. Theo đánh giá thực tế của các doanh nghiệp đang trực tiếp thu mua, kinh doanh, chế biến điều lớn, có nhiều kinh nghiệm tham gia Hội nghị này; cũng như nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội nghị điều quốc tế do VINACAS tổ chức tại Tp. Huế tháng 3/ 2019 vừa qua, thì:

Vụ mùa của Việt Nam và Campuchia là bình thường; Một số vùng của châu Phi có thể bị tác động của khí hậu nhưng điều được trồng trên diện rộng ở châu Phi nên không thể lấy tình hình ở một số khu vực để nói châu Phi mất mùa. Dự kiến, tổng sản lượng điều của thế giới gần 4 triệu tấn, tăng 300.000 - 400.000 tấn so với 2018. Do đó, lượng điều thô cung ứng cho thị trường sẽ không thiếu. Về lâu dài: Do diện tích và sản lượng điều ở châu Phi tăng nhanh trong khi năng lực chế biến thấp và phát triển chậm nên sẽ không ảnh hưởng lớn đến lượng điều thô cung ứng cho thị trường thế giới và Việt Nam. Và mặc dù chế biến tại châu Phi có giá thành thấp nhưng cũng chưa cạnh tranh được với hạt điều của Việt Nam.

2. Vừa qua, có một số doanh nghiệp Việt Nam đã phá vỡ chủ trương của VINACAS, và thỏa thuận của VINACAS với hiệp hội điều một số nước (đặc biệt là thỏa thuận mới ký với CEPCI - Ấn Độ): đã ký kết hợp đồng và thanh toán đặt cọc theo tỷ lệ 15% trở lên (nếu thanh toán theo hình thức hỗn hợp TTR/ DP). Một số doanh nghiệp xuất khẩu điều thô yêu cầu thanh toán 100% thay vì cho phép giữ lại 2%, sau khi có kiểm định của Vinacontrol/ Cafecontrol mới cân đối để thanh toán hết. VINACAS khuyến cáo: ký như vậy là bất lợi và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

3. Để góp phần ổn định thị trường, giảm thiểu rủi ro cho cả ngành điều và các doanh nghiệp: với những doanh nghiệp không thực hiện các chủ trương của Vinacas, cố tình mua bán phá giá và gây nhiễu loạn thị trường, Vinacas sẽ xem xét để công bố trên các “group” và phương tiện truyền thông nội bộ của mình; đồng thời, cảnh báo rủi ro với ngân hàng để lưu ý khi cho vay thực hiện hợp đồng.

4. Thị trường điều nhân thời gian qua không sôi động là do các nhà nhập khẩu không dự trữ nhiều; có người chờ giá xuống tiếp; có người chờ sự ổn định của thị trường với một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, nhu cầu về điều nhân của thế giới là không giảm mà tăng nhẹ. Do đó, từ cân đối nhu cầu điều nhân và lượng cung ứng điều thô cho thấy: chế biến điều của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng là bình thường. Các nhà chế biến và kinh doanh điều Việt Nam cần tỉnh táo để không bị những thông tin sai lệch, gây tổn thất cho hoạt động của mình.

5. Chất lượng điều thô là điều các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý; việc trộn hạt điều cũ, chất lượng kém vào hàng mới là có thể xảy ra và rất khó kiểm soát hết ngay từ khâu thu mua của nông dân đến cả quá trình lưu thông, lưu kho. Do vậy, khi ký hợp đồng doanh nghiệp nên:
- Chọn đối tác là doanh nghiệp lớn, có uy tín để giảm thiểu rủi ro; nếu có vấn đề về chất lượng thì họ cũng hợp tác để xử lý trên tinh thần trách nhiệm chứ không phủi tay.
- Thỏa thuận với đối tác và ghi vào hợp đồng rõ ràng, chi tiết về chất lượng.
- Chọn đơn vị kiểm định chất lượng độc lập có năng lực để kiểm định hàng.

6. Thời gian qua, Hội đồng Hòa giải Vinacas đã tiếp nhận nhiều đơn đề nghị xử lý các tranh chấp trong hợp đồng mua bán điều thô. Tuy nhiên, việc giải quyết rất khó khăn do các doanh nghiệp ký hợp đồng không chặt chẽ, với những điều khoản bất lợi cho mình. VINACAS đã có cảnh báo về vấn đề này (gửi kèm văn bản). VINACAS lưu ý doanh nghiệp: khi đàm phán, ký kết hợp đồng cần bảo đảm nguyên tắc Công Bằng về quyền lợi và trách nhiệm trong từng điều khoản.

7. Nhiều doanh nghiệp phản ảnh: Cơ quan kiểm dịch thực vật đã yêu cầu tiến hành kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi tại cảng, thay vì cho phép đưa về kho của doanh nghiệp như trước kia. Việc này làm khó khăn và phát sinh nhiều chi phí, thời gian của doanh nghiệp; sẽ gây ách tắc tại cảng khi vào cao điểm của vụ chế biến; sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của toàn ngành năm 2019.

Vấn đề này Vinacas đã có công văn 08/2019/CV-HHĐ ngày 15/1/2019 gửi Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ NN&PT Nông thôn và Chi Cục Kiểm dịch Thực vật Vùng II. Ngay sau Hội nghị, Vinacas đã tiếp tục có văn bản gửi 2 Cơ quan trên đề nghị tháo gỡ cho ngành điều.

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch VINACAS, thay mặt Ban Thường Vụ - Ban chấp hành VINACAS, kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành điều Việt Nam: Đoàn kết, tỉnh táo để làm chủ tình hình; nỗ lực để có một năm kinh doanh hiệu quả, mọi thành tố trong chuỗi giá trị ngành điều Cùng thắng (Win – Win), góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành điều Việt Nam./.

Hữu Hậu UVTT Hội đồng Thông tin VINACAS
(trích dẫn Thông báo số 42/2019/TB-HHĐ của VINACAS)



Báo cáo phân tích thị trường