Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lợn sạch vẫn hút khách
05 | 04 | 2019
Trong khi có khá nhiều người nội trợ đang hoang mang trước dịch tả lợn Châu Phi, thì ở giữa tâm dịch (Hưng Yên) các trang trại và thương lái nuôi, bán lợn sạch vẫn hút khách tiêu dùng.

Chị Lê Thị Thu là thương lái chuyên bán thịt lợn sạch ở chợ Hòn Đá của xã Đình Dù, huyện Văn Lâm cho hay: “ Mặc dù chỉ ngồi chợ làng nhưng mỗi ngày tôi đã mổ và bán hết gần 2 tạ lợn thịt. Lượng khách mua vẫn ổn định kể cả đang có dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở trên địa bàn huyện".

Bà Chu Thị Trúc Quỳnh (giáo viên Trường THCS Đình Dù) bật mí: “Chị Thu chỉ bán thịt lợn sạch nên đã hút được khách mua không những ở trong thôn mà còn cả các thôn lân cận. Gia đình tôi cũng đang mua ăn thịt lợn của chị Thu, giá có đắt hơn một ít nhưng yên tâm vì biết rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Anh Nguyễn Đông Hà là chủ trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ ở thôn Đồng Quê, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang cho biết: "Nhờ chăn nuôi theo hướng hữu cơ bền vững nên trang trại lợn của tôi luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Gia đình cũng mới xuất trại được hơn 50 tấn lợn thịt. Giá bán tuy có giảm so với khi chưa xảy ra dịch tả lợn, nhưng vẫn có lãi trang trải cho thuê mướn công lao động và khấu hao cơ sở hạ tầng”.

“Đặc biệt, từ khi có dịch tả lan ra diện rộng, các loại lợn nuôi của gia đình càng ở trong tình trạng cung không đủ cầu, nên chỉ ưu tiên bán những mối hàng trong nội tỉnh”, anh Hà cho biết thêm.

Anh Hà còn bộc bạch: “Trong tình hình dịch dã làm cho lợn rớt giá như hiện nay, hầu hết các trang trại lớn đều chăn nuôi cầm chừng - giảm tối đa cám công nghiệp, tăng cường thức ăn hữu cơ (cám ngô, cám gạo) để bớt lỗ và chờ tăng giá. Vì vậy người tiêu dùng sử dụng các loại thịt lợn lúc này là yên tâm nhất”.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy: Hưng Yên là tỉnh công bố dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên trên toàn quốc. Hiện tại dịch đã lan ra 10/10 huyện/thành phố trong tỉnh, nhưng từ đầu năm đến nay, các đám hiếu, hỉ, hội làng ở đây vẫn chủ yếu thết đãi khách bằng các món ăn chế biến từ thịt lợn, không ai ăn dè dặt và tất nhiên họ vẫn rất an toàn.

Vì vậy người tiêu dùng không nên tẩy chay đối với mặt hàng thịt lợn được chế biến từ các cơ sở có uy tín, có kiểm soát giết mổ, có đóng dấu, dán tem kiểm định theo qui định của pháp luật. Nhưng không nên ăn thịt lợn bệnh, tiết canh, lòng lợn và nem chạo chế biến từ lợn”.

Để phân biệt thịt lợn nhiễm dịch tả người nội trợ có thể nhận biết bằng mắt thường như: Thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hoặc vết khác thường, ấn ngón tay vào miếng thịt không bị lõm, rỉ nước, đưa thịt vào luộc nước dùng có màu trong, không sủi bọt, khi sào thịt không ra nước, ăn có vị thơm ngọt. Nếu thịt lợn có màu nâu xám, đỏ thâm hoặc xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, chạm tay thấy nhớt nháp, rỉ nước, thì đó là thịt lợn ôi hoặc mắc bệnh.

Trên thị trường cũng có thể vẫn còn những thương lái bất chấp đạo đức kinh doanh, dùng hoá chất bảo quản để lừa bịp trục lợi từ người tiêu dùng. Thịt ướp chất bảo quản trông cũng đỏ tươi nhưng thớ thịt bị săn cứng, ấn ngón tay vào không thấy đàn hồi, cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, màu hơi thâm, có mùi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt nhạt, có mùi hôi tanh khó chịu, mỡ có màu vàng, nước luộc thịt vẩn đục có bọt mùi hôi.

“Ở đâu đó có thể người tiêu dùng còn hoang mang khi sử dụng thịt lợn. Nhưng ngay trong tâm dịch Hưng Yên, lợn sạch vẫn hút khách mua. Bởi từ đầu năm đến nay, mỗi ngày HTX vẫn xuất bán ra thị trường nội tỉnh được 70-80 tấn lợn thịt hữu cơ các loại, so với khi chưa phát dịch, lợi nhuận của người chăn nuôi có bị ảnh hưởng, nhưng vẫn đảm bảo được lãi nhẹ. Dự báo trong thời gian tới giá lợn hữu cơ sẽ bứt phá ngoạn mục, nên HTX vẫn tiếp tục duy trì nuôi trên 2.000 con lợn nái và gần 30.000 lợn thịt”, ông Hoàng Kiên, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi lợn hữu cơ Hợp Phát (Khoái Châu) khẳng định.



Báo nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường