Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành gỗ mở rộng thị trường xuất khẩu
24 | 05 | 2019
Theo Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu của ngành gỗ có nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Nếu như trước đây chỉ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… để tái xuất khẩu sang nước thứ ba, thì nay đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp được sang 120 nước.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, 3 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu gỗ đạt bình quân 750 triệu USD/tháng, tăng bình quân 100 triệu/tháng so với các năm trước. Trước đó, trong năm 2018, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản nước ta đã đạt 9,38 tỷ USD - đưa gỗ chính thức vượt qua thủy sản trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Theo VIFORES, nguyên nhân chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành gỗ đến từ các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),…

Với thị trường đang chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu nhưng lại bao trùm thị trường gần 500 triệu dân với tổng kim ngạch thương mại vượt 5 nghìn tỷ USD, việc tham gia CPTPP sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành gỗ của Việt Nam từ việc cắt giảm thuế quan. Cụ thể, một số đối tác chưa có hiệp định thương mại với Việt Nam xóa bỏ đa số các dòng thuế đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất, văn phòng, nhà bếp ngay khi CPTPP có hiệu lực. Theo đó, 32% số dòng thuế đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Peru được xóa bỏ sau 6 năm, 50% dòng thuế còn lại của Mexico được xóa bỏ với lộ trình tối đa sau 10 năm.

Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch Hội chế biến gỗ Bình Dương chia sẻ, trong bối cảnh thị trường đang có nhiều triển vọng thì CPTPP giống như “đòn bẩy” thúc đẩy thêm cho ngành này. Dự báo, không chỉ năm 2019, các năm sắp tới đơn hàng xuất khẩu gỗ sẽ ngày càng tăng.

Theo Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu của ngành gỗ thời gian qua có nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Nếu như trước đây chỉ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… để tái xuất khẩu sang nước thứ ba, thì nay đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp được sang 120 nước. Đà tăng trưởng của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục được duy trì, đồng thời mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng, thị trường mới. Đặc biệt, ngành gỗ ghi nhận sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á…với sản phẩm đồ gỗ nội thất phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách hoặc đồ gỗ trang trí phong cách cổ điển.

Giới chuyên môn nhận định, mặc dù so với các nhà xuất khẩu hàng đầu đến từ Đức, Italy, Ba Lan thì ngành chế biến gỗ của Việt Nam vẫn chưa thể sánh bằng bởi sản phẩm của các nước này đều ở phân khúc cao và dây chuyền sản xuất được tự động hóa gần như 100%; tuy nhiên, ngành gỗ Việt đang từng bước chiếm lĩnh thị trường các nước.

Đổi mới công nghệ sản xuất

Khẳng định cơ hội của ngành gỗ đang rộng mở nhưng các doanh nghiệp (DN) cũng thẳng thắn chỉ ra thách thức mà ngành cần giải quyết như cần vốn lớn để cải tiến máy móc, cải tiến năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn. Ông Nguyễn Quốc Khanh  -  Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM nhận định: “Ngành gỗ Việt Nam cũng chỉ mới sử dụng khoảng 30 - 40% nội lực, còn rất nhiều nguồn lực chưa được khai thác như hiệu quả đầu tư công nghệ, nâng tầm quản trị, đầu tư thiết kế, phân phối thương mại, xây dựng thương hiệu, v.v… tất cả những gì chưa làm đều có thể là cơ hội cho DN khi phát triển”.

Về phía Hiệp hội gỗ Bình Dương, ông Điền Quang Hiệp nhấn mạnh: “Chúng ta đang là quốc gia có khả năng cạnh tranh cao vì không một nước nào đạt tốc độ tăng trưởng nhanh như gỗ Việt Nam. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng của chúng ta lại đến từ việc dùng sức và lượng để cạnh tranh, trong khi các nước phát triển đầu tư vào thiết kế, nhãn hiệu, công nghệ tự động hóa, nhà xưởng hiện đại…Việt Nam phải giải quyết bài toán này để tăng tốc độ phát triển bền vững cho ngành”.

Cộng đồng DN sản xuất, xuất khẩu gỗ cho rằng, phải “làm thật – bán thật” tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Điều đó lý giải tại sao ở nước ngoài đã tạo ra các sản phẩm tốt - giá tốt, thậm chí giá cao nhưng người tiêu dùng vẫn mua vì cảm thấy xứng đáng. Mô hình này ở Việt Nam còn mới. Việt Nam có nhiều làng nghề nhưng xu hướng là sản xuất hàng giá rẻ và chất lượng thả nổi, trong khi các DN sản xuất lớn lại tập trung vào sản xuất hàng gia công xuất khẩu.

Theo giới chuyên gia, các DN cần quan tâm chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, các DN cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng thông qua việc tập trung nguồn lực thực hiện chuyên môn hóa, giảm chi phí giao dịch và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Thị trường rộng, tiềm năng còn, nâng cao năng suất là hết sức cần thiết. Bà Đỗ Thị Kim Loan Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM & SX Sao Nam cho biết, với mục tiêu xuất khẩu đạt 20 triệu USD trong năm 2019, công ty đã đầu tư nhiều hệ thông máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu đơn hàng của các thị trường. Không chỉ đơn vị này, hiện nay nhiều DN ngành gỗ chủ động đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại; nâng tầm thiết kế theo hướng tiện lợi, độc đáo; thay đổi mô hình quản trị DN,… nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.  



Theo daidoanket.vn
Báo cáo phân tích thị trường