Thịt heo chiếm tới hơn 70%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tại Hội nghị Phát triển Gia súc ăn cỏ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh như hiện nay đòi hỏi ngành chăn nuôi phải tái cơ cấu lại căn bản theo hướng đẩy mạnh phát triển các loài gia súc ăn cỏ để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và thế giới.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn còn gặp nhiều thách thức. Hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ lệ cao dẫn đến chưa kiểm soát được vấn đề dịch bệnh, an toàn thực phẩm và năng suất, giá thành…
Chăn nuôi gia súc ăn cỏ phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn thô xanh nhưng Việt Nam không có đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, kể cả không xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, ngành chăn nuôi cũng phải tái cơ cấu lại do tỉ trọng heo đang quá lớn.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết hiện trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của nước ta, thịt heo chiếm đa số với gần 71%, thịt gia cầm chiếm 20,4%, thịt gia súc chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ với 8,6% trong tổng sản lượng thịt các loại. Do đó, trong bối cảnh này, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi gia súc ăn cỏ.
Dư địa phát triển gia súc ăn cỏ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt theo hướng hạn hán nên tương lai không thể đủ nước để duy trì 3,8 triệu ha đất lúa và 1,5 triệu ha ngô được. Do đó, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ đang là lợi thế rất lớn để tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Hiện nay, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang có nhiều lợi thế để phát triển. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước về sản phẩm của gia súc ăn cỏ ngày càng tăng cao; hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng cũng tạo ra những cơ hội cho ngành này phát triển.
So với thế giới, hiện sản lượng tiêu thụ sữa và thịt đỏ của Việt Nam còn rất thấp khi chỉ bình quân 3 kg thịt bò và 20 lít sữa/người/năm trong khi thế giới là 9kg thị bò và 80 lít sữa/người/năm.
Đặc biệt, so với cây lúa và ngô thì cỏ là loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu tốt nhất. Cỏ không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho bò sữa, bò thịt mà còn rất nhiều loài vật nuôi tiềm năng phát triển hàng hóa như hươu, nai, dê, thỏ, cừu...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện so với ngành khác, chăn nuôi vẫn là ngành có kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn nhất, trong khi thực tế cho thấy nếu không xuất khẩu được thì không tạo ra được động lực phát triển, không thúc đẩy được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao giá trị.
"Vì vậy, trong đề án tái cơ cấu căn bản toàn diện ngành nông nghiệp trong tương lai. Chính phủ, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu Việt Nam phải là quốc gia mạnh trên thế giới về nông nghiệp và chăn nuôi phải đóng vai trò chính", Bộ trưởng nhận định.
Cơ hội cho ngành sữa
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc ăn cỏ đã có một số sản phẩm xuất khẩu chính ngạch như sữa và các sản phẩm từ sữa, da thỏ, nhung hươu.
Riêng về sữa, đến năm 2020, Trung Quốc cần tới 11 tỉ lít sữa nhưng ngành sữa Trung Quốc hiện tại còn non trẻ, chi phí sản xuất cao cũng như hạn chế về nước và thức ăn sẽ tiếp tục tạo nên bất lợi cho ngành sản xuất sữa nội địa. Do đó việc Trung Quốc phải nhập khẩu các sản phẩm từ sữa chế biến là tất yếu.
Ngoài ra, dư địa xuất khẩu sữa sang Trung Quốc có nhiều tiềm năng còn bởi người dân Trung Quốc vẫn nghi ngại khi sử dụng sữa trong nước. Cạnh đó chất lượng bò sữa cũng có vấn đề do đồng cỏ bị ô nhiễm.
Đồng thời, các ổ dịch tả heo châu Phi đang hoành hành tại nước này cũng làm cho người tiêu dùng quay sang các nguồn cung cấp protein khác.
Bên cạnh đó, ông Toản cho hay cùng với các sản phẩm sữa, nhu cầu về thịt và các sản phẩm thịt gia súc ăn cỏ trên thế giới cũng đang tăng dần qua từng năm. Có thể kể đến như Mỹ, Trung Quốc, Mexico, EU, Thổ Nhĩ Kỳ... là những nước có nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thịt bò đứng đầu thế giới.