Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
100 nghìn 1kg ớt, sốt giá chưa từng thấy
21 | 05 | 2019
Thời gian gần đây, giá ớt tại các tỉnh phía Bắc liên tục tăng vọt lên mức trung bình 70-80 nghìn đồng/kg, một số nơi 90-100 nghìn đồng/kg. Theo nông dân và thương lái, đây là mức giá cao chưa từng thấy.
Chưa năm nào, người trồng ớt ở các tỉnh phía Bắc lại phấn khởi và chứng kiến giá ớt tăng cao như thời gian gần đây. Tại vùng chuyên canh trồng ớt xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), hiện giá ớt đang ở mức bình quân lên tới 75- 80 nghìn đồng/kg. Những ngày qua, mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt, nhưng nông dân trồng ớt ở xã Văn Đức ai cũng háo hức đổ ra đồng tranh thủ thu hoạch ớt lúc giá đang rất cao.
 
Anh Đặng Văn Hòa ở Đội 7A, thôn Quang Trung (xã Văn Đức) cho biết: Vùng chuyên canh rau của xã hiện trồng rau quanh năm, mùa nào thức nấy. Trong đó, ớt là cây chủ lực trong xã, được nông dân trồng chủ yếu ở vụ xuân-hè (xuống giống sau khi kết thúc trà rau vụ đông).
 
Hiện nay, ớt trong xã đang trong giai đoạn thu hoạch rộ. Thông thường, mọi năm trà thu hoạch rộ, giá ớt trung bình chỉ khoảng 15-20 nghìn đồng/kg là nông dân đã có lãi khá. Nhưng năm nay, từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá ớt liên tục tăng cao. Đầu vụ (đầu tháng 4/2019), giá ớt từ khoảng 30 nghìn đồng, đã liên tục tăng mạnh, hiện đã lên mức trung bình 80 nghìn đồng/kg.
 
 
Mỗi sào ớt, hiện trung bình cách 2 ngày nông dân thu hoạch một lần được 20kg/sào, thu về 1,5 – 1,8 triệu đồng (Trong ảnh: Nông dân xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội thu hoạch ớt).

“Năm nay, nhà tôi trồng 5 sào ớt, từ đầu vụ đến nay đã thu hoạch được 100 triệu đồng. Hiện cứ cách 2 ngày tôi hái ớt một lần, mỗi lần được trung bình 1 tạ, thu về 7-8 triệu đồng. Dự tính nếu giá ớt giữ được mức cao như hiện nay, trừ chi phí (khoảng 3 triệu đồng/sào), nông dân thu lãi khoảng 40 triệu đồng/sào. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay” – anh Đặng Văn Hòa phấn khởi.
 
Tại các vùng chuyên canh ớt ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), hiện giá ớt cũng đang tăng cao chưa từng thấy. Theo anh Nguyễn Văn Giang, thôn An Phú (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ): Hiện giá ớt tại Quỳnh Phụ đang ở mức bình quân 80-90 nghìn đồng/kg. “Chúng tôi trồng ớt cả chục năm nay, chỉ có một năm giá ớt cao nhất cách đây 4-5 trước, lúc ấy giá ớt lên tới 40-50 nghìn đồng/kg, nhưng giá cao tới 80-90 nghìn đồng/kg như năm nay thì chưa bao giờ thấy” -  anh Giang cho biết.
 
Cũng theo anh Giang nhận định, việc giá ớt vụ xuân năm nay tăng cao đột biến, có thể do diện tích giảm mạnh. Theo đó tại xã Quỳnh Hải, mọi năm diện tích ớt lên tới 40-50 mẫu, tuy nhiên do vụ ớt đông xuân năm 2018, giá ớt rất rẻ, chỉ có 7-8 nghìn đồng/kg, dân trồng ớt lỗ nặng nên vụ đông xuân năm nay, nhiều hộ đã không còn dám trồng ớt mà chuyển sang cây trồng khác, khiến diện tích ớt trong xã ước chỉ còn khoảng 20 mẫu. Tương tự tại vùng ớt xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nông dân cho biết năm nay, diện tích ớt giảm khá mạnh so với năm trước do giá ớt năm 2018 rớt thê thảm.
 
Tại nhiều vùng chuyên canh ớt như Quỳnh Phụ (Thái Bình); Kim Thành (Hải Dương); Tân Yên (Bắc Giang)..., nông dân đang có một vụ ớt đông xuân 2019 thắng lớn.
Anh Phạm Văn Cường, một thương lái tại xóm Thượng, xã Liên Sơn (Tân Yên, Bắc Giang) chuyên thu mua ớt để xuất khẩu sang Trung Quốc tại địa bàn tỉnh Bắc Giang tiết lộ thêm: ớt tại các tỉnh phía Bắc được trồng chủ yếu ở vụ đông tại nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương..., diện tích ớt vụ đông xuân thường ít hơn so với vụ đông.
 
Hiện, ớt tại các tỉnh phía Bắc bên cạnh tiêu thụ một lượng rất ít cho thị trường nội địa, thì chủ yếu được thu mua để XK sang các thị trường như Malaisia, nhưng chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc. Các thương lái tại các tỉnh thu gom, sau đó chở container lạnh (10-15 độ C) lên nhập lại cho các Cty sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn để XK đi Trung Quốc.
 
Theo anh Cường, sở dĩ năm nay, giá ớt vụ đông xuân tại phía Bắc “lên cơn sốt” bởi mấy nguyên nhân: Một là năm 2018 giá ớt quá thấp nên nông dân giảm mạnh diện tích. Hai là vụ đông xuân năm nay, Trung Quốc mất mùa ớt do đầu vụ rét đậm, băng giá nên không thể xuống giống, khiến nguồn cung của phía Trung Quốc giảm mạnh. “Những ngày gần đây, giá ớt chúng tôi thu mua cho nông dân tại các tỉnh gần biên giới như Bắc Giang, Lạng Sơn có lúc đã chạm mốc 100 nghìn đồng/kg mà vẫn không có hàng. Mọi năm, mỗi ngày thời điểm này chúng tôi phải thu mua và xuất khẩu được hàng chục tấn/ngày, nhưng năm nay chỉ nhúc nhắc được 5-6 tấn/ngày” – anh Cường cho biết.
 


Báo cáo phân tích thị trường