Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng mã số vùng trồng cà phê để truy xuất nguồn gốc
04 | 06 | 2019
(TBTCO) - Hệ thống thông tin mã số vùng trồng cà phê đã được triển khai thử nghiệm thu thập số liệu với hơn 8.500 hộ trồng cà phê tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, mã số vùng trồng này góp phần quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê.
Cà phê
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NNK

Sáng ngày 23/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP) tổ chức hội thảo Công bố kết quả thí điểm hệ thống thông tin mã số vùng trồng cà phê.

Để hướng tới nền nông nghiệp thời kỳ 4.0, GCP đã cùng với các đối tác, đặc biệt là Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) xây dựng thí điểm hệ thống mã số vùng trồng cà phê nhằm quản lý ngành hàng và đánh giá mức độ áp dụng thực hành bền vững trong sản xuất cà phê.

Hệ thống đã được triển khai thử nghiệm thu thập số liệu với hơn 8.500 hộ trồng cà phê với hơn 10.000 ha cà phê tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng .

Phần mềm này sẽ trở thành công cụ kỹ thuật số hỗ trợ các đối tác có liên quan trong quản lý vườn cà phê thông qua thông tin vườn cây, tình trạng sinh trưởng của vườn cây, sử dụng giống, hiện trạng và quản lý đất, nguồn nước, hệ thống tưới, việc trồng xen canh qua đó quản lý và truy xuất nguồn gốc của ngành cà phê sẽ được cải thiện.

Theo ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cà phê cũng như nhiều ngành hàng nông sản khác đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa phục vụ cho phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn thực phẩm. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, mã số vùng trồng để truy suất nguồn gốc rất quan trọng.

Hệ thống thông tin mã số vùng trồng có lợi ích cho nhiều bên. Đó là cơ sở dữ liệu như sổ tay nông hộ điện tử giúp nông dân quản lý đầu vào sản xuất; các tổ chức chứng nhận có thể kế thừa để giảm giá thành chứng nhận; giúp các doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, định hướng đầu tư, tài trợ vào lĩnh vực sản xuất; cơ quan quản lý nhà nước có có sở dữ liệu trong định hướng, phát triển cà phê bền vững. Qua đây có thể tạo niềm tin cho các nhà chế biến và người tiêu dùng về xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, sản phẩm chất lượng và an toàn.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng mã số vùng trồng, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Trưởng phòng Cây công nghiệp, Cục Trồng trọt cũng thông tin thêm, hiện nay yêu cầu nhập khẩu sẽ được nâng dần từng bước theo hướng ngày càng chặt chẽ trong thời gian tới đây. Trước mắt, để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, Trung Quốc yêu cầu cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và dán tem truy xuất.

Tại cửa khẩu, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra nguồn gốc các lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong các vùng trồng đã được cấp mã số thì sẽ bị từ chối nhập khẩu… Vì vậy, điều này không chỉ khiến Việt Nam có nguy cơ mất thị trường Trung Quốc nói riêng mà còn ảnh hưởng tới các thị trường xuất khẩu nói chung.

Để có thể mở rộng hệ thống này, bà Trần Quỳnh Chi - Trưởng đại diện GCP cho biết, tỉnh Lâm Đồng sẽ cùng với Bộ NN&PTNT và GCP xây dựng lộ trình để mở rộng ra toàn tỉnh. Với các tỉnh thành khác, GCP đang liên kết với các dự án khác trong ngành cà phê để có thể hỗ trợ nông dân và từ đó các tỉnh có thể đưa ra quyết định ứng dụng hệ thống này trên cấp độ ngành.

Năm 2018, Việt Nam có 680.000 ha cà phê với năng suất 2,5 tấn/ha và sản lượng đạt 1,62 triệu tấn. Việt Nam xuất khẩu đạt 1,8 triệu tấn với giá trị 3,5 tỷ USD.

 



Theo Thời Báo Tài Chính Online
Báo cáo phân tích thị trường