Những nhà khởi nghiệp thành công
Lựa chọn mặt nước sông Ðà nuôi cá lồng để khởi nghiệp, Công ty Thủy sản Hải Ðăng (tỉnh Hòa Bình) đã huy động vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật đầu tư gần 200 lồng bè để chăn nuôi thủy sản.
Sản phẩm chủ lực là các loại cá đặc sản như chép giòn, trắm đen, chẽm, bỗng, lăng... Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy sản Hải Ðăng Phạm Văn Thịnh, ông cùng các cộng sự khởi nghiệp doanh nghiệp từ năm 2012, khi đó gặp rất nhiều khó khăn. Có thời gian lỗ hàng tỷ đồng do gặp thời tiết không thuận lợi, giá bán cá thấp. Sau khi xác định được tiềm năng to lớn của thủy sản nuôi bằng lồng bè, công ty đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết kinh doanh theo chuỗi. Những năm gần đây, doanh thu của công ty đạt bình quân 300 tỷ đồng/năm. Hiện nay công ty sử dụng hơn 20 lao động, với mức thu nhập bình quân năm đến tám triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp đang có hướng phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, nuôi cá truyền thống kết hợp các loại thủy sản khác, xây dựng nhà máy chế biến thủy sản để phát triển thương hiệu.
Khởi nghiệp từ năm 2004, thành công với mô hình nuôi vịt trời đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi Nguyễn Ðăng Cường bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất lúa, nuôi cá truyền thống và vịt đẻ trứng. Với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng, hiện nay doanh nghiệp đã phát triển khá nhanh với tổng diện tích nuôi trồng là 59 ha; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi (vịt, ngỗng, lợn rừng), trồng trọt (dưa lưới, cà chua, ớt chuông, bưởi, ổi, chanh…) và thủy sản, doanh thu ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm. Ðịnh hướng trong tương lai, công ty sẽ sản xuất, sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ vịt, ngỗng theo hướng hữu cơ và sản xuất phân bón hữu cơ. Khởi nghiệp từ vùng đất trũng, không điện sáng, không nguồn nước sạch nhưng anh Nguyễn Ðăng Cường vẫn trở thành tỷ phú sau nhiều năm miệt mài khởi nghiệp, sáng tạo. Ðây là một trong những mô hình khởi nghiệp thành công, trở thành doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Lựa chọn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2014, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Delco Lê Khánh Mạnh bắt đầu khởi nghiệp bằng mô hình nhà máy thông minh, nhằm tiết kiệm chi phí vận hành và tối ưu môi trường làm việc cho công nhân. Dự án Delco Farm được triển khai từ tháng 1-2017, đến giữa năm 2018 được đưa vào sản xuất đại trà. Hiện nay, Delco Farm có diện tích khoảng 6 ha tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Ðây là một trong những mô hình nông nghiệp thông minh đầu tiên tích hợp in-tơ-nét của công nghệ 4.0, được đánh giá là một trong những mô hình trang trại thông minh hiện đại nhất miền bắc, khi ứng dụng 100% công nghệ thông tin vào mô hình sản xuất rau và các sản phẩm nông nghiệp sạch. Tại Delco Farm, điều đặc biệt là 100% việc thiết kế, xây dựng trang trại, lắp đặt, phát triển phần mềm giám sát, điều khiển tự động và kết nối in-tơ-nét đều do các kỹ sư của Delco và các đối tác Việt Nam thực hiện. Hiện tại, Delco Farm đang có hai khu nhà nuôi gà lấy trứng, với hơn 40.000 con gà, một nhà trồng rau thủy canh rộng hơn 1.000 m2 và bốn vườn dưa lưới, mỗi vườn có diện tích hơn 1.700 m2. Quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản rõ ràng. Sản phẩm khi đưa ra thị trường đã thu hút sự đón nhận rất tích cực từ các đối tác và khách hàng về chất lượng cũng như giá cả. Nhờ đó, mà doanh thu trong năm 2018 của Delco Farm đạt hơn 30 tỷ đồng.
Cần chính sách hỗ trợ thỏa đáng
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, cả nước có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với năm 2017; có 13.400 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 55% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Số hợp tác xã thành lập mới năm 2018 là 1.935, tăng 63% so với năm 2017 và 35.500 trang trại, tăng 1.500 trang trại. Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do tính đặc thù của lĩnh vực này với nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp từ thiên nhiên dẫn đến nông nghiệp hiện ít được các doanh nghiệp quan tâm so với các lĩnh vực khác khi khởi nghiệp, hay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Việc đầu tư vào nông nghiệp có thể thành công, có thể chưa được như mong muốn, nhưng tin tưởng tương lai sẽ có rất nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công lớn. Thực tế đã chứng minh, ở thời điểm hiện tại cũng đã xuất hiện rất nhiều tổ chức, cá nhân dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học, công nghệ thông tin vào nông nghiệp, đã và đang gặt hái kết quả cao.
Ngày 1-1-2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức có hiệu lực. Theo đó, các hình thức hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thu hút đầu tư, tư vấn về sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới liên kết, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, cơ chế lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp thông qua các tổ chức tín dụng... chính thức được luật hóa. Nghị định số 38/2018/NÐ-CP về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cũng đã quy định cụ thể doanh nghiệp thực hiện hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư, cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Các nội dung được quy định tại nghị định này đã tạo khung pháp lý cơ bản cho hoạt động khởi nghiệp. Trước đó, ngày 18-5-2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 844/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Ðây là văn bản chính sách đầu tiên, bao quát nhất và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam. Trước làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo, Chính phủ đã rất nỗ lực xây dựng hệ thống pháp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất hình thành một trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất và xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Thông qua đó, cam kết sẽ hỗ trợ tài chính và các nguồn lực cần thiết cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Một trong những nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp chưa "mặn mà" với nông nghiệp bởi lĩnh vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai, dịch bệnh, nguy cơ rủi ro cao hơn so với đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác. Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy sản Hải Ðăng Phạm Văn Thịnh, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thiếu vốn do khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Doanh nghiệp kiến nghị được thuê thêm đất để mở rộng mặt bằng sản xuất, đồng thời đất doanh nghiệp sử dụng lâu dài làm nông nghiệp cần được đánh giá về mặt giá trị để làm tài sản thế chấp khi tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước cần chú ý chính sách hỗ trợ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để sản xuất quy mô lớn, không bị rào cản. Nhằm khuyến khích mọi nguồn lực và các thành phần trong xã hội phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo để khởi nghiệp thành công, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Tổng Giám đốc Công ty Delco Lê Khánh Mạnh, trước hết phải có cơ chế, chế tài kiểm soát chặt chẽ các loại nông sản thực phẩm lưu thông trên thị trường không có nguồn gốc rõ ràng. Tăng cường các biện pháp giám sát thông qua văn bản pháp luật cũng như các giải pháp công nghệ cho quá trình sản xuất. Nên phát triển các trung tâm khuyến nông tại mỗi tỉnh do doanh nghiệp quản lý vận hành để kết nối các sản phẩm giữa các địa phương trong cả nước. Ngoài ra, Nhà nước nên nghiên cứu các mô hình hỗ trợ xây dựng khu chế biến, sơ chế nhỏ tại các vùng nguyên liệu để hỗ trợ xử lý và tiêu thụ nông sản sau thu hoạch.
Thực tế, hiện nay số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp và phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Không ít doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp phản ánh gặp khó khăn, như quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp; ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp tại Việt Nam còn hạn chế. Hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung chưa cao; ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp còn gặp nhiều bất cập về cơ chế, chính sách. Thực tế đã có rất nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều bất hợp lý về thủ tục hành chính, chính sách tín dụng và đầu tư, gây khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Theo DŨNG MINH/Báo Nhân Dân