Những con số ấn tượng của ngành sữa
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa đạt 48,6 triệu USD. Hiện, sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã xuất khẩu sang 43 nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt là sản phẩm sữa bột công thức xuất sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Philippines.
Còn theo Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2016 - 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa liên tục tăng, từ 84,47 triệu USD năm 2016 lên 82,65 triệu USD năm 2017 và 129,68 triệu USD năm 2018. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trung bình cả giai đoạn tăng trưởng là 27,37%.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết sữa và các sản phẩm từ sữa là những thực phẩm quan trọng cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của con người. Ngành sữa đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước, với mức tăng trưởng nhanh chóng.
"Năm 2018, tổng doanh thu ước đạt 109.000 tỉ đồng, đạt mức tăng trưởng 9% so với năm 2017. Giai đoạn 2010 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng doanh doanh thu ngành sữa đạt 12,7%/năm, có tốc độ tăng trưởng cao nhất đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc chăn nuôi", ông Trung nhận định.
Cũng theo số liệu từ Hiệp hội Sữa Việt Nam, năm 2018, cả nước có 294,4 ngàn con bò sữa, với tốc độ tăng đàn bình quân là 10,9%/năm. Sản lượng sữa năm 2018 đạt 936 nghìn tấn, tăng bình quân 15%/năm cho giai đoạn 2011-2018, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Cơ hội giao thương của ngành sữa ngày càng rộng mở
Thực tế, trong ngành sữa hiện nay nhiều doanh nghiệp đã, đang đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ có trình độ tự động hóa cao ngang tầm khu vực và thế giới, nhiều trang trại đạt chuẩn Global G.A.P, VietGAHP, trang trại hữu cơ… nhằm tăng sản lượng, chất lượng, an toàn thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và tiếp cận ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị sữa, sản phẩm sữa ở thị trường trong và ngoài nước...
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng ngành sữa Việt Nam đang từng bước phát triển bền vững theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm.
Do đó, triển lãm được xem là nền tảng giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội.
Vietnam Dairy 2019 năm nay qui tụ hơn 80 đơn vị là những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa và sản phẩm sữa trong nước và quốc tế tham gia như: Vinamilk, Friesland Campina, Neslte, Mead Johnson, Abbott, Eneright, Nutricare, Noluma, Dairy Pro...
Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm gồm: sữa và các sản phẩm sữa, nguyên liệu phụ gia sử dụng trong ngành sữa, công nghệ, dây chuyền chế biến và bao bì công nghệ, dây chuyền chế biến và bao bì phụ kiện trong chế biến sữa...
"Người tiêu dùng hiện nay thường có nhu cầu trải nghiệm những sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, có xu hướng sử dụng sản phẩm sữa hạt và các sản phẩm dinh dưỡng y học.
Vì vậy, triển lãm không chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, là cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác mà còn giúp doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh", Chủ tịch Hiệp hội sữa đánh giá.
Doanh nghiệp Việt 'lấn sân' thị trường nước ngoài
Trong năm 2019, hoạt động xuất khẩu sữa dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các doanh nghiệp trong nước tăng cường thúc đẩy xuất ra nước ngoài.
Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, đến nay phía Trung Quốc đã hoàn tất báo cáo đánh giá rủi ro mở cửa thị trường sữa cho Việt Nam. Sau hơn 6 năm đàm phán, Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được kí kết, tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này.
"Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự kiến, tháng 10 này Việt Nam sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc", Chủ tịch Hiêp hội sữa Việt Nam nói.
Mặt khác, mới đây Công ty Vinamilk cũng vừa xây dựng tổ hợp "resort" bò sữa Organic với qui mô 5.000 ha tại tỉnh Xiêng-Khoảng, Lào.
Dự kiến cuối năm 2020 trang trại sẽ hoàn thành việc xây dựng và đạt chứng nhận hữu cơ theo chuẩn châu Âu và tiêu chuẩn Mỹ, cung cấp nguyên liệu sữa tươi organic cho nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam và xuất khẩu.
Ông Mai Hoài Anh, Giám đốc Điều hành Kinh doanh Quốc tế Vinamilk, cho hay: "Chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ 4.0 và máy móc, thiết bị tiên tiến nhất của ngành chăn nuôi trên thế giới tại đây. Đồng thời mang đến dự án đội ngũ chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm của Vinamilk, cùng các chuyên gia giỏi đến từ Nhật Bản và các nước phát triển trên thế giới, nhằm đảm bảo dự án được thực hiện thành công".
Tại Việt Nam, Vinamilk đang có 12 trang trại trên cả nước, trong đó, có 2 trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn organic châu Âu và 10 trang trại theo chuẩn Global G.A.P, đây là hệ thống trang trại lớn nhất của châu Á về số lượng được áp dụng tiêu chuẩn quốc tế này.
Nối tiếp Vinamilk trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn TH cũng đã chi khoảng 2,7 tỉ USD đầu tư cho Tổ hợp Chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao và một số dự án về thực phẩm tại Liên bang Nga, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho hay.
Bên cạnh sự đầu tư, xây dựng, cải tiến, đổi mới kỹ thuật, công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp trong ngành thì sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại, thu nhập của người dân tăng và nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh.
Do đó, trong những năm tới, ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 9 - 10% và đạt mức 28 lít sữa/người/năm vào năm 2020, Hiệp hội sữa Việt Nam dự báo.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng