Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
USDA: Sản lượng cà phê thế giới năm 2019 2020 giảm 5,4 triệu bao
23 | 07 | 2019
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới trong năm 2019 - 2020 đạt 169,1 triệu bao (khối lượng 60 kg), theo báo cáo Cà phê: Thị trường và Thương mại thế giới phát hành tháng 6/2019.

Con số 169,1 triệu bao trong năm 2019 - 2020 đánh dấu sự sụt giảm 5,4 triệu bao so với năm trước. USDA cho rằng sự sụt giảm này chủ yếu do vụ cà phê arabica của Brazil bước vào năm cuối của chu kì sản xuất hai năm một lần,

Với dự báo tiêu thụ toàn cầu ở mức kỉ lục 167,9 triệu bao, USDA dự kiến hàng tồn kho cuối kì sẽ giảm 2,8 triệu bao xuống còn 33,5 triệu bao. USDA cũng hạ dự báo khối lượng cà phê xuất khẩu trên thế giới giảm từ 800.000 bao xuống còn 116,8 triệu bao do xuất khẩu từ Brazil thấp hơn nhiều so với các lô hàng từ Indonesia và Việt Nam.

Sản lượng cà phê arabica của Brazil dự báo giảm 7,2 triệu bao xuống còn 41,0 triệu bao. USDA cho biết mặc dù sản lượng giảm nhưng điều kiện thời tiết tốt chiếm ưu thế ở hầu hết các vùng trồng cà phê trong giai đoạn nở hoa và hình thành quả. Chất lượng cây trồng dự kiến thấp hơn năm ngoái vì cây ở nhiều khu vực đang trong giai đoạn trưởng thành khi vụ thu hoạch diễn ra.

Vụ thu hoạch robusta của Brazil dự báo đạt mức kỉ lục 18,3 triệu bao, tăng 1,7 triệu bao. Lượng mưa dồi dào hỗ trợ sự phát triển của cây trồng ở bang sản xuất chính Espirito Santo, trong khi các biện pháp quản lí cây trồng tốt đã hỗ trợ cho sự gia tăng ổn định ở bang Rondonia.

Tuy nhiên, tổng vụ thu hoạch arabica và robusta dự kiến giảm 5,5 triệu bao xuống còn 59,3 triệu bao. Với nguồn cung giảm, xuất khẩu cà phê Brazil dự kiến giảm 2,5 triệu bao xuống còn 33,5 triệu và lượng dự trữ cuối năm giảm 1,0 triệu bao xuống còn 2,9 triệu bao. Lượng tiêu thụ dự kiến tiếp tục tăng lên mức kỉ lục 23,5 triệu bao.

USDA dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam tăng thêm 100.000 bao so với năm ngoái với mức kỉ lục 30,5 triệu bao. Trong 4 tháng đầu năm 2019, các vùng sản xuất cà phê chính ở Tây Nguyên phải trải qua thời tiết khô và nắng. Mùa mưa đến hơi chậm nhưng vẫn đủ để cây ra hoa và đậu quả tốt.

USDA cho biết tổng sản lượng cà phê của Trung Mỹ và Mexico gần như không thay đổi ở mức 19,1 triệu bao vì một số quốc gia trong khu vực tiếp tục phải đấu tranh với sự bùng phát bệnh rỉ sắt trên cà phê lần đầu tiên xảy ra vào năm 2013 - 2014.

Lợi nhuận ngành cà phê ở Mexico với thời tiết thuận lợi dự kiến sẽ bù đắp tổn thất ở Honduras. Sản lượng tại El Salvador, Guatemala và Panama tương ứng với mức 650.000 bao, 3,6 triệu bao và 100.000 bao. Nicaragua dự báo sản lượng cà phê giảm 200.000 bao xuống còn 2,3 triệu bao vì những hạn chế tài chính dự kiến dẫn đến giảm đầu vào và sản lượng.

Xuất khẩu cà phê ở khu vực này dự báo giảm 600.000 bao xuống còn 15,5 triệu bao chủ yếu do nguồn cung xuất khẩu thấp hơn ở Honduras. Hơn 45% cà phê của khu vực này được xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và khoảng 1/3 sang Mỹ.

Sản lượng cà phê của Colombia dự báo ở mức 14,3 triệu bao trong điều kiện tăng trưởng bình thường. Liên đoàn người trồng cà phê quốc gia Colombia (FNC) ước tính kể từ năm 2012, một nửa diện tích trồng cà phê 940.000 ha đã được cải tạo, chủ yếu là các giống chống bệnh rỉ sắt. Nỗ lực này đã tăng năng suất lên gần 1/3, ở mức 18,2 bao/ha và hạ tuổi trung bình của cây cà phê từ 15 năm xuống còn 7 năm.

Sản xuất ở Indonesia sẽ tăng khiêm tốn 100.000 bao lên 10,7 triệu bao với mức tăng chia đều giữa sản lượng arabica và robusta.  Sản lượng cà phê robusta dự kiến đạt 9,5 triệu bao trong điều kiện phát triển thuận lợi ở các vùng đất thấp ở phía Nam Sumatra và Java, nơi có 75% tổng diện tích dành cho canh tác cà phê. Mặc dù lượng mưa lớn ở phía Tây Java đã làm trì hoãn vụ thu hoạch arabica, USDA dự kiến xuất khẩu khu vực này sẽ tăng nhẹ.

Khối lượng cà phê nhập khẩu của EU dự báo giảm 500.000 bao xuống còn 48,5 triệu bao và chiếm hơn 40% lượng nhập khẩu cà phê thế giới, trong đó các nhà cung cấp hàng đầu gồm Brazil chiếm 29%, Việt Nam 25%, Honduras 8% và Colombia 6%. Lượng dự trữ cuối kì dự kiến giảm 700.000 bao xuống còn 13,1 triệu bao.

Mỹ là quốc gia nhập khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và dự báo nhập khẩu tăng 400.000 bao lên 26,5 triệu bao. Các nhà cung cấp hàng đầu gồm Brazil ở mức 24%, Colombia 22%, Việt Nam 15% và Guatemala 6%. Khối lượng hàng tồn kho cuối kì dự báo tăng 200.000 bao lên 6,9 triệu bao.

 



Nguồn gcrmag.com
Báo cáo phân tích thị trường