Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mỹ giảm nhập khẩu điều của Việt Nam: Đáng lo ngại!
24 | 07 | 2019
Giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm tới 21,5% so với cùng kỳ năm 2018, cùng sự thâm hụt sản lượng xuất khẩu ở một số thị trường chính cho thấy, đã đến lúc ngành điều phải cải tổ để nâng cao chất lượng, giữ vững thị phần.

Giá xuất khẩu giảm tới 21,5%

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều tháng 6/2019 đạt 39.200 tấn, trị giá 275,61 triệu USD, giảm 4,6% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với tháng 5/2019, tăng 21,4% về lượng nhưng giảm 6% về trị giá so với tháng 6/2018.

Điều đáng buồn, giá xuất khẩu hạt điều vẫn không được cải thiện trong một thời gian dài, kéo theo lợi nhuận của ngành giảm đáng kể. Giá xuất khẩu hạt điều sang các thị trường đều giảm so với 6 tháng đầu năm 2018. Cụ thể, giá xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hongkong giảm 10,8%, Iraq giảm 20,1%, Đức giảm 21,7%, Mỹ giảm tới 22,5%, còn 7.544 USD/tấn.

Xuất khẩu hạt điều sang Mỹ đang bị cạnh tranh gay gắt bởi những thị trường mới.  Ảnh: T.L

Cho đến nay, Trung Quốc và Mỹ vẫn là 2 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn của Việt Nam. Theo thống kê, tháng 6/2019, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc tăng tới 143,8% về lượng và tăng 104,2% về trị giá so với tháng 6/2018, đạt 6.600 tấn, trị giá 51 triệu USD.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc tăng 53,2% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2018, đạt 28.200 tấn, trị giá 221,47 triệu USD. Xuất khẩu hạt điều sang Mỹ 6 tháng đầu năm 2019 đạt 63.700 tấn, trị giá 480,68 triệu USD, giảm 4% về lượng và giảm 25,7% về trị giá so với nửa đầu năm 2018.

Cần nâng cao chất lượng

Sự sụt giảm về sản lượng điều xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho thấy, đã đến lúc ngành điều phải nghiêm túc nhìn nhận và cải tổ để nâng cao chất lượng nếu không muốn để mất thị trường vào tay những nhà cung cấp khác.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức 8.211 USD/tấn, giảm 19,8% so với 5 tháng đầu năm 2018. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Mỹ từ Việt Nam đạt 8.169USD/tấn, giảm 19,9%; Brazil đạt 8.189USD/tấn, giảm 21,8%; Indonesia đạt mức 7.898USD/tấn, giảm 23,8%; Ấn Độ đạt mức 8.675USD/tấn, giảm 17%.

Đáng chú ý, giá nhập khẩu hạt điều của Mỹ từ một số nguồn cung đạt mức cao, gồm: Thái Lan đạt mức 10.869USD/tấn; Bờ Biển Ngà đạt mức 9.262USD/tấn; Nigeria đạt 9.171USD/tấn. Điều đáng lo ngại là, 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ giảm nhập khẩu hạt điều từ một số nguồn cung, trong đó có Việt Nam và gia tăng nhập khẩu hạt điều từ các nguồn cung Brazil, Indonesia, Bờ Biển Ngà, Thái Lan.

Việt Nam hiện là 1 trong 3 nước xuất khẩu điều lớn nhất trên thế giới. Dù đứng top 3 về sản xuất điều thô nhưng Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong 10 năm liên tiếp. Hàng năm, Việt Nam phải dành khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu điều thô từ Bờ biển Nga, Nigeria, Campuchia và một số nước.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hai ngành lúa gạo và cà phê đã được hỗ trợ bởi dự án VNSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ. 3 ngành điều, hồ tiêu và cây ăn quả cũng là lĩnh vực quan trọng của ngành nông nghiệp, đã và đang là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu, nhưng đang có những hạn chế, tồn tại cần được hỗ trợ vốn, cơ chế chính sách, sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp, HTX và nông dân.

“Nếu dự án được phê duyệt sẽ giải quyết các thách thức đang đặt ra cho các ngành hàng này của nước ta. Đó là vấn đề cung cấp sản phẩm điều, hồ tiêu và cây ăn quả chất lượng cho các nhà máy chế biến với chi phí cạnh tranh. Thứ hai, việc sản xuất điều, hồ tiêu, cây ăn quả có chất lượng cao để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính. Thứ ba là cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản cho hoạt động nông nghiệp - công nghiệp như tiếp cận với năng lượng, mạng lưới đường và các trung tâm công nghệ” – ông Doanh nói.

Từ thực trạng của ngành điều, mới đây, Bộ NNPTNT đã đề xuất World Bank (WB) dự án hỗ trợ phát triển ngành hàng điều, hồ tiêu, cây ăn quả tại Việt Nam.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường