Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có hay không trái cây Trung Quốc 'mượn mác' Mỹ, New Zealand?
22 | 07 | 2019
Hiện nay, tại các siêu thị và cửa hàng bán trái cây nhập khẩu, lượng hoa quả nhập khẩu tăng mạnh và nhiều loại trái cây giảm giá rất sâu, trong đó có cherry giảm tới 30%; nho giảm 10-15%
Hầu hết các loại trái cây đều ghi xuất xứ từ Mỹ, Australia, Canada, Newzland, Nam Phi… và có mẫu mã rất bắt mắt, vị thơm ngon. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm của các loại trái cây này…
 
Nhiều loại trái cây nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ khác nhau được bán trong siêu thị. Ảnh: Hải Nguyễn

Trái cây xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam tăng 50%
 
Sáng 17.7.2019, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NNPTNT) - cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng trái cây từ Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam tăng 50%, chủ yếu là táo, nho đen, nho ngón tay, cherry. “Gặp khó khăn khi xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, Mỹ đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam và lượng cung dồi dào đã khiến giá một số loại trái cây giảm khá mạnh. Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước” - ông Lê Sơn Hà nhấn mạnh.
 
Nếu các năm trước, cherry Mỹ về Việt Nam có giá 400.000 - 600.000 đồng/kg thì nay được các cửa hàng bán với giá từ 230.000 - 350.000 đồng, giảm gần một nửa so với những năm trước. Tại Hà Nội, tham khảo một số cửa hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu trên các trục đường Xuân Thủy, Láng, Duy Tân…
 
PV nhận thấy cherry, nho đang là mặt hàng trái cây bán chạy nhất. “Lượng nhập khẩu trái cherry từ Mỹ về rất nhiều nên giá giảm mạnh. Nếu như trước đây thời điểm cao nhất giá cherry lên tới 545.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống còn 495.000 đồng/kg và hiện tại giá chỉ còn khoảng 300.000 đồng/kg nếu khách mua theo hộp 5kg” - chị Thu Trang - bán hàng tại cửa hàng Cleverfood (ngách 76/8 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết. “Giá năm nay giảm tới 40% so với năm ngoái vì tháng 7 là thời điểm cherry Mỹ rộ mùa, nguồn cung lớn.
 
Năm nay lượng hàng nhập về gấp 3 lần năm trước nên thương lượng được giá tốt”, quản lý cửa hàng này nói và cho rằng, lý do cốt yếu khiến nguồn cung năm nay tại Mỹ dư thừa vì Trung Quốc giảm nhập sản phẩm này do chiến tranh thương mại leo thang.
 
Hoa quả Trung Quốc được “hô biến” thành trái cây Mỹ, New Zealand?
 
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, trong 6 tháng đầu năm 2019, có trên 400.000 tấn hoa quả nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó trái cây từ Trung Quốc chiếm gần 30.000 tấn, chủ yếu là các loại quả như quýt, nho, táo, lựu…
 
“Thời điểm đầu mùa, Trung Quốc có xuất khẩu quả xoài vàng mini sang Việt Nam, nhưng thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang xuất khẩu nhiều đào, mận sang Việt Nam; quýt vẫn là mặt hàng được xuất khẩu sang Việt Nam nhiều nhất” - ông Lê Sơn Hà cho biết.
 
Hoa quả nhập khẩu tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn
 
Cũng theo ông Hà, “sau Trung Quốc, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu trái cây sang Việt Nam đứng thứ 2. Tiếp đó là các nước: Mỹ, các nước Châu Âu (EU), Australia, New Zealand, Hàn, Nhật, Chile, Canada, Nam Phi, Ai Cập…
 
Tại các cửa khẩu biên giới, công tác kiểm tra, kiểm dịch thực vật luôn được thực hiện chặt chẽ, hoàn toàn không có cherry từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, mà chủ yếu là quýt, đào, mận, nho các loại (đỏ, xanh). Tuy nhiên, cả hàng nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch đều được kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt, đủ tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm mới được xuất khẩu vào nội địa Việt Nam”.
 
Trả lời câu hỏi, có hay không chuyện hoa quả Trung Quốc “mượn đường” Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và ngược lại, hoa quả giống Mỹ được trồng tại Trung Quốc rồi thẩm lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch rồi dán nhãn Mỹ, Australia, New Zealand, ông Lê Sơn Hà khẳng định: Việc kiểm tra cấp mã số được thực hiện và giám sát chặt chẽ. Việt Nam xuất sang Mỹ những loại quả mà Trung Quốc không có (thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm, nhãn, vải…) nên không có chuyện hoa quả Trung Quốc “đi đường vòng” qua Việt Nam dán nhãn để xuất sang Mỹ.
 
Ở chiều ngược lại, cherry của Trung Quốc quả chua, không thơm, ngọt, dày cùi như cherry Mỹ và các nước Australia, Canada, Hàn Quốc… nên người Việt Nam không thích. Nếu nhập về sẽ không bán được nên Trung Quốc không xuất khẩu cherry sang Việt Nam, hơn nữa, Trung Quốc còn phải nhập cherry từ Mỹ, nay chiến tranh thương mại khiến lượng cherry và nhiều loại trái cây khác như nho, táo, kiwi vào Trung Quốc giảm mạnh. 
 
Trong 6 tháng đầu năm, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu cho quả việt quất tươi từ Mỹ; quả bưởi, cam, quýt và xoài tươi có xuất xứ Lào; nhãn từ Campuchia; cỏ Alfafa khô (Medicago sativa) từ Ý. Cục đã hoàn thiện điều kiện nhập đối với quả táo tươi từ Chi Lê; quả nho tươi từ Argentina; quả bưởi, mít và nhãn tươi từ Campuchia; quả táo tươi xuất xứ Nam Phi; quả kiwi tươi từ Hy Lạp; đã kiểm tra vùng trồng, cở sở đóng gói và xử lý quả tươi tại Chi Lê và Nam Phi.


Báo cáo phân tích thị trường