Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Myanmar U Myo Aye cho biết cà phê đặc sản của quốc gia Đông Nam Á đang được thừa nhận trên thị trường quốc tế trong khi sản xuất cà phê tại thị trường trong nước, nơi nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên, cũng được nỗ lực duy trì.
"Chúng tôi đang cố gắng tăng sản lượng xuất khẩu, đồng thời trồng thêm cà phê để đáp ứng nhu cầu nội địa, gồm phần lớn thị trường cà phê sản xuất trong nước", ông cho hay.
Ông lưu ý thêm sản xuất cà phê đã được cải thiện đáng kể trong 5 năm qua và chuỗi giá trị của ngành này cũng phát triển với sự hỗ trợ kĩ thuật và tiếp cận thị trường từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
"Chúng tôi đang bán cà phê từ Ywangan ở miền Nam bang Shan cho Mỹ. Trước năm 2014, chúng tôi không thể thực hiện hoạt động thương mại vì phương pháp sản xuất truyền thống cho ra những hạt cà phê kém chất lượng", theo ông U Myo Aye. Ông cho biết thêm giá cà phê đặc sản dao động trong khoảng 4000 - 10.000 USD/tấn.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Myanmar, quốc gia này có 49.000 mẫu diện tích cà phê, với 90% trong số đó trồng cà phê arabica, chủ yếu ở bang Shan và vùng Mandalay trong khi bang Kayin sản xuất cà phê robusta. Sản lượng cà phê hàng năm đã đạt 8.000 tấn.
Với hơn 1000 tấn cà phê được vận chuyển hàng năm từ 2014 - 2018, giá trị xuất khẩu cà phê của Myanmar cũng đã tăng từ hơn 1,5 triệu USD lên 6 triệu USD, theo thống kê của Bộ Thương mại và Hiệp hội Cà phê Myanmar. Trong đó, khoảng 400 tấn là cà phê đặc sản, phần còn lại được phân loại là cà phê cao cấp hoặc cà phê thương mại. Cà phê Myanmar được xuất khẩu sang 16 quốc gia, gồm cả Mỹ và Nhật Bản.
Giám đốc điều hành ngành trồng trọt Myanmar U Ye Myint cho biết nước này đang nỗ lực mở rộng việc trồng các loại cà phê đặc sản theo thị hiếu tiêu dùng ở nước ngoài và giá của những loại cà phê này thường cao hơn.
“Điều chúng tôi cần là làm sao trồng và đảm bảo ngành trở nên bền vững” ông cho biết. Ngành trồng trọt của Myanamar cũng sản xuât cà phê và xuất khẩu.
Một báo cáo gần đây của USAID cho thấy kể từ năm 2013, hỗ trợ kĩ thuật và đào tạo cùng với tiếp cận thị trường đã giúp hơn 8.000 nông dân sản xuất ra hạt cà phê chất lượng cao hơn và đưa chúng ra ngoài thị trường. Các ngân hàng tư nhân cũng đã hỗ trợ nông dân bằng cách cho vay 1 triệu USD.
Giám đốc của USAID, Teresa McGhie, phát biểu trong một cuộc họp gần đây rằng ngành cà phê đã được cải thiện nhờ sự phát triển của chuỗi giá trị.
“Phát triển chuỗi giá trị từ nông trường tới chợ là điều quan trọng. Chúng tôi đã cung cấp những tư vấn kỹ thuật và thị trường tới người dân cũng như các nhà chế biến và đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm gần đây” bà Teresa nói.
Là một phần trong nỗ lực ngăn chặn việc trồng cây thuốc phiện, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cũng đã hỗ trợ canh tác cà phê tại Bang Shan. UNODC và Malongo, một công ty rang xay cà phê đặc sản của Pháp, đã tạo điều kiện cho việc xuất khẩu cà phê Shan Mountain sang Pháp trong năm nay.
Tháng 5, Phó Chủ tịch Henry Van Thio kêu gọi nông dân Myanmar trồng thêm cà phê arabica với mục đích xuất khẩu và thay thế cà phê hòa tan nhưng giá chỉ rẻ bằng cà phê robusta trong nước.